tranvietnghia's blog

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Undo!


Giá như có nút 'Undo' trong cuộc đời


Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước có rất nhiều vụ án nghiêm trọng xẩy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tất cả chúng ta đều căm giận hành động mất tính người của những tên tội phạm. Nhưng hãy một lần thử suy xét: căn nguyên của vấn đề từ đâu mà ra?

“Hối hận!” có lẽ đó là cảm xúc chung nhất của những người còn nhân tính sau khi vừa phạm lỗi lầm. “Căm hờn,” nhưng cũng có khi là “tiếc nuối,” là thứ mà những người xung quanh dành cho đối tượng vừa phạm tội. “Xót xa, thương tiếc” là cảm xúc mà mọi người dành cho nạn nhân của những vụ việc này.
Rất nhiều khi trong cuộc đời ta thường nói “cũng may, vẫn còn cơ hội để sửa chữa!” Nhưng cũng rất nhiều khi cơ hội để làm lại là không thể đối với cả phạm nhân và nạn nhân của những vụ việc nghiêm trọng. Lời đã nói, tên đã bắn thì khó mà thu lại được.
Những lỗi lầm nghiêm trọng dù vô tình (bột phát) hoặc cố ý (được chuẩn bị trước), hay những tai nạn đáng tiếc khi đã xảy ra thì không còn cơ hội để làm lại. Thật xót xa và tiếc nuối biết bao.
Giá như trên cuộc đời thực này cũng có những nút “undo” hay có thể nhấn “ctrl z” như trong máy vi tính để lùi lại một bước thì hay biết mấy. Nhưng điều đó lại là không tưởng. Vậy phải làm sao đây?
Ôn cố tri tân, từ những sự việc đau lòng đã xảy ra, chúng ta thử nghiêm túc và sâu sắc suy xét xem căn nguyên của vấn đề từ đâu mà ra.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Hãy một lần lên Đắk Lắk



Nhiều khi chúng tôi cứ tự hỏi, có nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này lại dễ níu chân người như thế. Có mảnh đất nào mà lại trở thành nơi “đất lành chim đậu” của nhiều người con ở mọi miền quê như thế. Những đặc sản mỗi vùng miền theo con người di cư và tụ hội cùng với những gì là vốn có bản địa đã khiến cho mảnh đất cao nguyên Dak Lak có sức hấp dẫn đặc biệt về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và cả du lịch lịch sử…

Bức tranh đa sắc

Có lẽ khái niệm đầu tiên với nhiều người khi nghĩ về Dak Lak là núi và rừng. Đúng chứ sao không! Càng tự hào khi đó là tiềm năng của Dak Lak. Rừng núi cao nguyên Dak Lak ôm trong mình những báu vật, đó là những ngọn thác bạc như Krông Kmar, Thủy Tiên, Dray Nur…; dòng sông Sêrêpôk cuồn cuộn réo rắt suốt đêm ngày; những đại ngàn: Yok Đôn, Chư Yang Sin, Ea Sô… Chính món quà tuyệt vời, hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng đã khiến Dak Lak trở thành nơi sản sinh ra những trường ca Đam San, Xinh Nhã, quê hương của những cây đàn đá, đàn t'rưng, đàn klông pút độc đáo. Đó còn là những lễ hội sôi động núi rừng như lễ hội đâm trâu, mừng cơm mới, đua voi, lễ trưởng thành, lễ bỏ mả… 
                                  Lễ hội đâm trâu

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Gửi em ở cuối sông Hồng!

Một bài viết hay của nhà báo Mai Thanh Hải:


 - Đầu tháng 2/2009, mình vẫn làm Báo Đại Đoàn kết nên trước sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam, cũng "vặt tóc bứt tai" nghĩ cách để vừa tuyên truyền, nhắc lại được sự kiện này, vừa thoát ải cấm đoán - sợ run cầm cập của từ cấp trên mình đến cấp trên của cấp trên mình. Nghĩ mãi, rồi cũng có cách: Tiếp cận vấn đề dưới góc độ... Văn học nghệ thuật. Thời buổi này, nói chuyện văn thơ ngày chiến tranh - bao cấp với kiểu "ôn nghèo kể khổ", hồi ức ồi iếc hoàn cảnh sáng tác thì quá là vô hại, chả Tuyên giáo - Quản lý Báo chí - A25 nào nó quan tâm đâu. 
 Hôm sau, mình đề xuất loạt bài và được Ban Biên tập OK khiến mình tất tưởi về chỉ đạo Phóng viên, CTV làm ngay cho có chất lượng và kịp đăng trước ngày 17/2/2009. Mà rất lạ nhé, anh chị em khi biết ý tưởng - cách triển khai chủ đề của mình, ai cũng háo hức, triển khai đi địa phương - cơ sở làm ngay, với mỗi tâm nguyện "Mình mà không nói, chả ai nhớ và biết ngày 17/2/1979!". Riêng mình, thậm chí còn ngồi xe đò, lên tận Yên Bái gặp tác giả bài thơ "Gửi em ở cuối Sông Hồng" để phỏng vấn, tìm hiểu và viết bài... Loạt bài hoàn tất, mình thực hiện Biên tập 1, chỉnh sửa ngon lành từ cấp Ban theo quy trình và chuyển lên Ban Biên tập ký duyệt đăng, trong lòng vẫn hơi lăn tăn về kết quả duyệt đăng, nhưng vẫn tự an ủi: "Đã được đồng ý thực hiện rồi. Vả lại Ban Biên tập ít nhất cũng có người qua bộ đội, đánh nhau ở biên giới phía Bắc rồi nên không hèn như chỗ khác đâu!". 

Nhạc sỹ Mạnh Trí, bạn ba!

Lang thang trên mạng, nhặt được cái này, không biết ai tải lên nhưng đích thị là nhạc sỹ Mạnh Trí, bạn thân của gia đình mình rồi! Mạnh Trí đa tài, cử nhân nhạc viện TP HCM gốc, đặc biệt, thổi khèn môi rất hay! Nhớ một lần chè chén, bác Trí còn làm cả một bài thơ ngẫu hứng tặng vợ chồng mình, vẫn còn giữ! Nay, sau 2 lần phẫu thuật cắt bàng quang, nhạc sỹ của "Bài ca trên đồi" đã yếu đi nhiều, nhưng chất hài hước và sự yêu đời vẫn còn xả láng! 
Nói chung, theo mình nhìn nhận, nhạc sỹ ở Tây Nguyên không ai qua Mạnh Trí. Ông Vũ Lân thì chỉ chuyên nghiên cứu văn hóa bản địa và lên truyền hình, bà Linh Nga thì chẳng có bài nào thật sự để nhớ. Còn Mạnh Trí, ngoài những sáng tác về tây Nguyên như "Bài ca trên đồi'', "ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên"...ông còn có rất nhiều bản giao hưởng cho piano, hợp xướng mà cả nước biết, sáng tác giao hưởng mới là "đỉnh" của âm nhạc. Lúc nào rảnh, mình sẽ viết một bài về Mạnh Trí với những kỷ niệm vui khi làm việc với anh!
Cuối tuần post cái này để thư giãn cùng Mạnh Trí!



Đúng luật nhưng không vì lợi ích nhân dân!


Báo chí đã đưa tin rộng rãi về kết luận của thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho rằng hợp đồng do VFF ký bán quyền truyền hình và các quyền khác liên quan đến thông tin về các giải bóng đá thuộc VFF tổ chức cho Công ty AVG là đúng theo quy định của pháp luật và điều lệ VFF.
Là một người ham mê bóng đá, tôi đọc kỹ lời giải thích của những người có trách nhiệm trong việc này thì chỉ thấy nói tới điều này, khoản kia của luật pháp không bị vi phạm.
Đương nhiên việc thanh tra phải căn cứ vào luật pháp, song điều làm tôi ngạc nhiên và buồn lòng là không ai có một lời nào nói tới hợp đồng có phù hợp với lợi ích của các câu lạc bộ bóng đá hay không, có đáp ứng được hay không nhu cầu chính đáng của dân, nhất là những người ham mê bóng đá mong muốn được dễ dàng xem truyền hình trực tiếp các trận đấu bóng đá.
Lợi ích của các câu lạc bộ bóng đá và nhu cầu của những người ham mê bóng đá chính là động lực cơ bản cho sự phát triển nền bóng đá Việt Nam. Ai cũng thấy và cũng nói như thế, vậy mà điều tối quan trọng ấy lại không được đếm xỉa đến khi thanh tra, kết luận về một hợp đồng đang có nhiều tranh cãi.
Liên hệ đến vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, các nhà chức trách cấp xã, cấp huyện (được sự đồng tình của cấp thành phố) khi ra quyết định thu hồi và cưỡng chế cũng đều cho rằng mình làm đúng theo điều này, khoản kia của luật pháp.
Trước ngày Thủ tướng kết luận về vụ việc này, không một ai trong các cấp chính quyền và tòa án ở Hải phòng nói đến lợi ích chính đáng của người dân đã bỏ công sức, tiền của đầu tư để biến vùng đất hoang thành đầm nuôi thủy sản; không một lời nào tính đến việc sử dụng đất đai như thế nào là có lợi nhất cho sự phát triển đất nước.
Hai sự việc khác hẳn nhau, nhưng lại có một điểm rất giống nhau: những nhà cầm quyền có trách nhiệm trực tiếp trong từng sự việc đều tự nhận là công bộc của dân nhưng khi hành xử thì chỉ chăm chăm vào câu chữ của luật pháp mà không nghĩ gì đến quyền lợi chính đáng của dân.
Chính điều đó dẫn tới làm sai luật mà cứ cho là đúng (cũng không loại trừ động cơ bóp méo luật để mưu lợi riêng). Phải chăng hai sự việc này là điển hình của nếp nghĩ và hành xử khá phổ biến trong nhiều vị công bộc của nước ta?
Hệ thống luật pháp rất đa dạng, phức tạp với vô vàn điều khoản, song cả rừng câu chữ đều hướng vào mục tiêu tối thượng là đáp ứng nhu cầu và lợi ích của dân, bảo đảm quyền làm chủ của dân, phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Đó là tinh thần cơ bản của luật pháp. Chỉ chăm chú vào câu chữ mà bỏ qua tinh thần ấy thì không phải là thượng tôn pháp luật, càng không thể có ý thức điều chỉnh, bổ sung luật pháp theo kịp yêu cầu của cuộc sống để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta.
TRẦN ĐỨC NGUYÊN
(Nguyên trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng)
Nguồn: tuoitre, tít đề do mình đặt.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Trần Viết Nghĩa: Valetine nhà bọ xít!

Trần Viết Nghĩa: Valetine nhà bọ xít!

Valetine nhà bọ xít!



Mấy ngày này vật vã với Tiên Lãng, tư duy đâu ra xuất hiện hàng tá những chống đối trong tư tưởng! Hôm qua tình yêu nhắc khéo mới biết nay là ngày Va lung tung. Thường thì năm nào cũng có quà cho nhau, năm nay tình yêu tặng quả đồng hồ rõ đẹp, như thường lệ, mình có quà và kèm theo... hoa quả (chuối)! hek.hek!
Để đổi mới và ghi nhớ ngày tình yêu, một phong tục của Tây nhưng đẹp nên được cả thế giới du nhập, post 1 bài về nguồn gốc valentine, cái này lấy từ Wikipedia, nên chắc chắn là đầy đủ:

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Lại hoan nghênh Thủ tướng!

Vậy là Thủ tướng đã có két luận về vụ Tiên Lãng. Về nội dung của nó, tất cả những trang mạng, trang báo đều đã đưa, mình không nói lại, thừa! Tinh thần chung là RẤT HẢ DẠ! Lần đầu tiên một vụ việc về đất đai ở cấp xã lại được Thủ tướng quan tâm đặc biệt và nhanh chóng có được kết luận đến như vậy. Có thể nói chính sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc của Thủ tướng, mà các đoàn kiểm tra, các bộ ngành liên quan đã có sự tổng hợp thong tin, chứng cứ một cách tương đối khách quan để có kết quả cuối cùng là cái kết luận được dư luận cả nước rất đồng tình. Không khách quan sao được khi tất cả những thông tin liên quan, những phân tích, nhận định, đánh giá đều đã được báo giới và nhiều giới khác đưa hết lên mạng, chỉ cần chịu khó ngồi ngâm cứu tí là xong hết. Bởi thế, bố đứa nào dám trình Thủ tướng một cái kết luận bố láo, bao che, có lợi cho lũ sâu bọ Tiên Lãng.
Một điều rất đáng hoan hô nữa là việc dành những lời khen ngợi, động viên của Thủ tướng cho báo giới! Trong vụ này, ngoài một số tờ báo tâm huyết máu lửa xông vào từ đầu, thì công lớn phải kể đến các blogger, của mạng xã hội. Nhưng Thủ tướng chỉ khen chung chung cho báo giới thôi, nhưng vậy cũng là đủ vui cho anh em báo chí và các blogger rồi. Mình hiểu, và các blogger cũng phải thông cảm cho Thủ tướng! Ghi nhận nhưng không thể khen thẳng được, chuyện công nhận các bác thành một trong những kênh chính thống của dư luận còn phải có thời gian!
Hôm nay ở Tiên Lãng chắc vui hơn cả tết! Mình đoán cả làng sẽ ăn mừng, và có lẽ đây là ngày tử của chó, vì món thịt chó sẽ đắt hàng.  Dù sao thì sắp tới, cho đến khi chính thức khép lại vụ Tiên Lãng, sẽ có nhiều con chó bị đem ra giết thịt!
Toàn văn kết luận của Thủ tướng xem tại đây!

Món khỏa thân Sushi tuyệt hảo!


Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Không thể cứu vãn!

 Xem nội dung khởi tố vụ án tại tại đây

Có vẻ như việc khởi tố vụ án "phá nhà ông Vươn" là quyết định được cân nhắc nhất của các cơ quan công quyền Hải Phòng trong quá trình giải quyết dứt điểm vụ Tiên Lãng. Bởi lẽ, việc khởi tố vụ án đồng nghĩa với việc đưa ông Hiền và cấp phó của ông lên đoạn đầu đài. Vì theo những gì mà thiên hạ đã biết cho đến giờ phút này thì thật quá  đơn giản, thậm chí một anh lính quèn cũng có thể nhanh chóng làm rõ thủ phạm phá nhà, chứ đừng nói đến chuyện cả một đội ngũ hùng hậu quan quân của ông Đỗ Hữu Ca!
Có lẽ vụ Hải Phòng đã không thể cứu vãn được nữa, và trong một động thái "vớt vát" vừa để trấn an dư luận, lấy lại chút hình ảnh, vừa để thiên hạ biết mình không phải là những kẻ "nuôi lấy phân", Công an Hải Phòng đã cho khởi tố vụ án! Chuyện khởi tố bị can có lẽ cũng nhanh thôi, vì đến giờ chuyện ai thuê máy xúc máy ủi, ai phá nhà đã rõ như ban ngày, và điều đó càng làm cho những khẳng định chém gió của lãnh đạo các cấp Hải Phòng trước đây về chuyện này trở thành hình mẫu cho sự lật lọng trắng trợn, không biết xấu hổ, miệng lưỡi không xương của những công bộc nhân dân thời hiện đại.
Điều dư luận nên quan tâm bây giờ là nên tỉnh táo, đừng quá sa đà vào chuyện phá nhà mà có thể kết quả cuối cùng của nó là vài anh bị khởi tố, mà quên béng đi một mảng chính của vụ việc, đó là cả một hệ thống chính trị ở Tiên Lãng thối nát, cần phải thay máu, chỉnh đốn quyết liệt với cái tâm cầu thị thực sự. Ông Hiền bị trừng trị là đúng rồi, nhưng phải làm sao cho ông không chỉ bị trừng trị về chuyện phá nhà, và tất cả những kẻ khác có liên quan cũng vậy! Có như thế thì vụ Tiên Lãng mới và nên trơ thành một vụ án điểm cho việc chỉnh đốn Đảng mà Hội nghị lần thứ IV của Đảng mới đưa ra!
Những bậc lão thành cách mạng, các nhân sỹ trí thức cả nước đã và đang lên tiếng bảo vệ lẽ phải trong vụ anh Vươn có thể "ăn mừng" về những thắng lợi trước mắt. Đó là những thành quả của sự đoàn kết, của lẽ phải, của những tấm lòng có trách nhiệm, lo cho đất nước. Có được kết quả đó, ngoài những nỗ lực, tâm huyết của mỗi người, thì có công rất lớn của...... mạng xã hội! Bởi, từ những nội dung, tình tiết của sự việc đến những phân tích, ý kiến, quan điểm, lập luận,thái độ... của mọi người nếu chỉ dừng lại ở chuyện gửi mấy lá thư lên lãnh đạo Đảng, nhà nước, hoặc đẳng tải ở những tờ báo lề phải thì chắc chắn tác động của nó cũng chẳng khác nào ném cát bụi rậm. Đằng này, với sự phổ biến của mạng xã hội, từng chi tiết nhỏ của vấn đề được cày xới, và không chỉ ở Tiên Lãng, hàng triệu dộc giả trong nước,nước ngoài đều có thể cảm nhận được như mình đang là hàng xóm của ông Vươn, và vì thế, "sự giận dữ" của cư dân mạng - cái mà ngày càng trở thành thước đo về dư luận xã hội hiện đại cũng là một trong những nguyên nhân khiến vụ Tiên Lãng từng bước, từng bước bị phơi bày, không thể cứu vãn!
Và có lẽ, trong thời gian tới, mạng xã hội sẽ là một chiến sỹ tiên phong, hiệu quả trong việc chống tham nhũng, chỉnh đốn (những gì hư hỏng) của Đảng, của chế độ, hơn là những ban chỉ đạo này, bệ chống tham nhũng nọ, nghe thì thật là hoành tráng, nhưng chẳng có chút hiệu quả nào, nếu không muốn nói là chẳng giải quyết vấn đề gì cả!

Thành phố Hoa cải đỏ!

Hoa phượng, biểu tượng của Hải Phòng
và.... súng hoa cải!
Sau vụ án Cống Rộc, trên mạng Internet, Hải Phòng được nói đến với biệt danh mới: Thành phố Hoa Cải đỏ. Nhưng cần phải nói ngay, đây là sự mỉa mai dành cho chính quyền, khởi nguồn từ sự cảm thông, quan tâm tới số phận người nông dân Đoàn Văn Vươn. Vài ngày trước, bị can Đoàn Văn Vươn xuất hiện trong một clip do CA Hải Phòng cung cấp, đầu bị cắt trọc. Nhưng không phải vì thế người dân thôi gọi là “ông Vươn”. Trong khi về phía chính quyền, vụ Tiên Lãng đang phơi bày một sự thật, quan chức giờ hoàn toàn không phải là phụ mẫu, lại càng không phải là công bộc của dân. Người dân chẳng bao giờ chĩa súng hoa cải vào cha mẹ hay công bộc của mình.
Hôm qua, hơn một tháng sau vụ chính quyền Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế, thu hồi khu đầm của người nông dân cùng quẫn Đoàn Văn Vươn, Hải Phòng mới có cuộc họp báo công bố quyết định tạm đình chỉ 2 quan chức cấp huyện và kiểm điểm 3 quan chức cấp xã. Một quyết định quá muộn, quá tạm bợ và chẳng có gì bất ngờ với dư luận. Đó cũng chỉ là một quyết định tạm đình chỉ, kiểm điểm, để tiếp tục làm rõ trách nhiệm, dù trách nhiệm của họ đã rõ như ban ngày, với ít nhất 5 điểm sai phạm mà ngay Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng đã thừa nhận.
“Không có phương án sử dụng đất sau thu hồi”- Vậy thì mục đích thu hồi là gì, nếu không chỉ nhằm tước đoạt?
Không thành lập Hội đồng đền bù- Đó là một lối thu hồi của kẻ cướp, bất chấp đó là toàn bộ tài sản, thậm chí là món nợ của người dân.
Không tổ chức đối thoại- Kẻ cướp có bao giờ cho phép nạn nhân được quyền “được trình bày”.
“Để xảy ra” việc phá hủy tài sản của dân” Và “Thời điểm cưỡng chế “sát Tết cổ truyền”- một kiểu “sống chết mặc bay” kinh điển trong văn học!
Người nông dân cùng quẫn cần chĩa súng vào đâu, có lẽ tự họ biết, dù họ cũng biết trước được cái giá phải trả.
2 trong số cán bộ bị tạm đình chỉ, kiểm điểm là một cặp anh em ruột: Lê Văn Hiền, Chủ tịch Huyện Tiên Lãng và Lê Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Có người đã nói đến vụ Tiên Lãng như một điển hình cho thấy khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân. Và, cũng không phải vô cớ mà có người cho đây là một điển hình cho sự hà hiếp: “Chính quyền anh” cấu kết với “Chính quyền em” để hà hiếp người dân.
Nhưng 5 cán bộ bị tạm đình chỉ có lẽ chưa phải là con số cuối cùng. Còn nhớ sau khi Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất, người nông dân Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện ra tòa. Tại phiên hòa giải ở tòa phúc thẩm, đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Phạm Văn Hoa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường đã hứa Huyện sẽ tiếp tục cho ông Vươn thuê đất nếu ông rút đơn kiện. Người nông dân dù có bằng kỹ sư nông nghiệp, dù đã chiến thắng cả “thần biển” đã tin vào lời hứa của chính quyền. Nhưng ngay sau khi ông vừa rút đơn, chính quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ khu đầm mà ông đã đổ mồ hôi, đổ máu, đổ cả mạng sống của con mình mới có được.
Một sự lật lọng không hơn không kém.
Trong buổi họp báo chiều qua, đã có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao cuộc họp báo do Thành ủy, mà không phải do UBND TP chủ trì. Việc Thành ủy chủ trì cuộc họp báo, và lớn hơn là việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vụ cưỡng chế đất của dân, đang là một tín hiệu tốt để có thể coi Tiên Lãng là địa phương khởi đầu cho việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Mà việc đầu tiên là khôi phục lòng tin của người dân vào chính quyền.
Nhưng lòng tin sẽ được khôi phục ra sao khi sau hơn 30 ngày, đến giờ, Hải Phòng vẫn trả lời nước đôi về vấn đề mà dư luận cả nước quan tâm nhất là số phận khu đầm mồ hôi nước mắt của người nông dân lấn biển.
Và dù có bộ máy công an, kiểm sát trong tay, đến giờ họ vẫn dùng từ “để xảy ra” việc tài sản của người dân bị phá hủy, thay vì thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ lực lượng đã phá hủy.
Hải Phòng đã phạm một sai lầm lớn trong việc bảo vệ hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân khi huy động cả một đạo quân với đủ các sắc phục, với dao gậy, súng ống và cả chó, chỉ để thu hồi đất của một gia đình người dân.
Và việc tạm đình chỉ, yêu cầu kiểm điểm lần này cũng giống hơn với việc vỗ an dư luận. Nhưng nếu như thế, làm sao có thể lấy lại lòng tin của nhân dân vào sự công chính của chính quyền?
Bởi điều nguy hiểm nhất của một chính quyền là mất đi lòng tin của người dân
Nguồn Blog Đào Tuấn

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Bất thường hay hệ quả tất yếu?



Nội trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở Trung ương và UBND TP. Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Điều đó thể hiện thái độ của kiên quyết Chính phủ trong cách xử lý với những sai phạm, nhất là trong thời điểm vấn đề chỉnh đốn Đảng vừa được đặt ra tại Hội nghị Trung ương. 



Như vậy là chỉ nội trong tuần tới, vụ việc ở Tiên Lãng sẽ chính thức có kết luận. Ai đúng, ai sai, đúng đến đâu và sai đến đâu sẽ được làm rõ và đương nhiên, những sai phạm cũng sẽ được xử lý nghiêm minh, triệt để, đúng pháp luật.
Ở thời điểm này, dù chưa có kết luận chính thức thì việc phải chịu hình thức kỉ luật của lãnh đạo xã Vinh Quang, lãnh đạo huyện Tiên Lãng và cả lãnh đạo TP. Hải Phòng là điều không tránh khỏi. Bởi một lẽ dù đúng, dù sai, khi để xảy ra chống đối là một tổn thất không nhỏ của cả hệ thống chính trị. Phương pháp lãnh đạo của Đảng là vận động, tuyên truyền, thuyết phục quần chúng chứ không ép buộc nhân dân. Ý Đảng - lòng Dân luôn là một khối thống nhất trên tinh thần đoàn kết vững chắc.
Trở lại vụ việc ở Tiên Lãng, cần khẳng định rằng vụ việc Đoàn Văn Vươn khởi đầu là sự phản kháng của một người nông dân chứ tuyệt nhiên không có cái gọi là thế lực thù địch hay phần tử xấu như ý kiến gần đây của một số lãnh đạo huyện Tiên Lãng. Những người lên tiếng ủng hộ ông Vươn hầu hết là người dân lương thiện, trong đó nhiều vị là lãnh đạo cao cấp Nhà nước và tướng lĩnh quân đội. Họ là những người đã từng đổ xương máu để xây dựng thể chế, có uy tín và dù về hưu, vẫn còn rất minh mẫn chứ không có chuyện mấy ông “quan chức trung ương về hưu nhầm lẫn” như lời của ông Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng từng phát biểu.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận những hành động manh động của Đoàn Văn Vươn dù với bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận. Hành vi chống người thi hành công vụ (dù có thể công vụ đó sai), sử dụng vũ khí trái phép… là có thật. Không ai đồng tình với cách hành xử manh động của anh em ông Đoàn Văn Vươn.
Thế nhưng một câu hỏi đặt ra là vì sao với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đó của anh em ông Vươn, hầu như dư luận lại cảm thông, chia sẻ. Thậm chí, nhiều văn phòng luật sư còn nhận đứng ra bào chữa miễn phí và có người còn quyên góp để ủng hộ gia đình ông Vươn. Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh và nhiều tướng lĩnh khác cũng đã nhiều lần lên tiếng. Trong khi đó, ngược lại với gia đình ông Vươn, điều chua xót (có lẽ phải nói là cay đắng) khi 6 chiến sĩ tham gia cuộc cưỡng chế, đang thi hành công vụ cũng tức là đang bảo vệ luật pháp bị thương thì gần như bị bỏ quên đến mức Đại tá, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đã phải thốt lên trong đau xót: “Tôi thấy đau xót cho vụ này lắm. Đoàn Văn Vươn vi phạm pháp luật đã bị bắt, ấy thế mà báo chí lại ca ngợi tội phạm như một người anh hùng. Chưa có cơ quan báo chí nào có lời hỏi thăm các chiến sĩ công an bị thương”.
Cũng cần rành mạch việc làm của lãnh đạo Tiên Lãng đúng hay sai là việc của những người lãnh đạo huyện. Tuân theo mệnh lệnh chỉ huy là bổn phận và trách nhiệm của người lính. Đại tá Đỗ Hữu Ca đau xót bởi không một thủ trưởng nào muốn nhìn thấy máu của chiến sĩ dưới quyền mình đổ trong sự thờ ơ của truyền thông và vô cảm của dư luận.
Nhưng điều xót xa, cay đắng còn ở chỗ khi những người làm nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, bảo vệ chính quyền nhân dân tức là bảo vệ nhân dân bị lãng quên thì ngược lại, những người sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ… lại được dư luận coi như “một người anh hùng” quan tâm, chia sẻ. Đó là một điều đau xót… đáng ngạc nhiên và suy ngẫm.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại xảy ra “điều đau xót đáng ngạc nhiên” như vậy? Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ở đây là như thế nào? Những gì ở Tiên Lãng hôm nay có hay không là hậu quả của các sai lầm được dồn tụ từ trước? Điều gì đang xảy ra ở Hải Phòng hôm nay?...
 Xin dành câu trả lời cho lãnh đạo TP. Hải Phòng không phải chỉ một nhiệm kỳ này mà cả từ các nhiệm kỳ đã qua.
(Nguồn: Dân trí, tít đề mình đặt)

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Chuyện 'phòng the' gây sốc của ông hoàng Bảo Đại



 Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào, Bảo Đại cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người. Bảo Đại (1913 - 1997) có tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là con của Vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu và là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn. Cựu hoàng Bảo Đại ở Paris. 
Từ "nhu cầu" với đàn bà... 
 Theo sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam của tác giả người Pháp Daniel Grandclément, sở thích hàng đầu của Hoàng đế Bảo Đại là đuổi theo những người đàn bà đẹp. Ông từng thẳng thắn bộc lộ sự ham muốn sắc dục của mình: “Luôn có nhu cầu đối với đàn bà, một thứ nhu cầu thường xuyên không thể dập tắt được như đồ ăn thức uống. Từ khi đến tuổi lớn, đêm nào cũng phải có một người đàn bà nằm bên, mỗi đêm một người”. "Con người Bảo Đại có một phần mười của Farouk, hai phần mười của Machiavel và bảy phần mười của Hamlet... Ông đã dan díu với đủ hạng người, từ cô hầu phòng bình thường, vợ của các gia nhân đày tớ, hoa hậu Đông Dương đến gái nhảy, thậm chí gái điếm...", một người thân thiết của cựu hoàng đã bình phẩm. Tác giả Lucien Bodart trong cuốn sách Chiến tranh Đông Dương - Sự nhục nhã (xuất bản năm 1973 tại Paris) cũng đề cập tới tính trăng hoa của Bảo Đại. Điều đó không chỉ gây rắc rối cho ông, mà còn khiến một số người khác bị vạ lây. Ông Lucien Bodart viết: “Nam Phương ghen tuông đã có ý định cho lái xe bắn lén vào những kẻ đang tình tự (ý nói Hoàng đế Bảo Đại và người tình) ở Đà Lạt. Bà Decoux, vợ quan Toàn quyền đã phải hi sinh thân mình trong vụ đáng buồn này. Bà đã đi nhanh đến chỗ hẹn hò để ngăn một vụ án mạng..”. Tuy án mạng đã không xảy ra, nhưng phu nhân Toàn quyền vì phóng xe quá nhanh để ngăn vụ bắn Bảo Đại và người tình nên đã thiệt mạng. 
 ... Đến những giai nhân trong đời 
 Được mệnh danh là vị vua đa tình và ăn chơi khét tiếng một thời, Bảo Đại có những bà vợ và nhân tình tuyệt sắc giai nhân. Trong đó, Nam Phương Hoàng hậu, bà Phi Ánh, Monique Marie Eugene Baudo, Hoàng Tiểu Lan và Mộng Điệp là 5 phụ nữ được nhà vua hết mực sủng ái. Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương Hoàng đế Bảo Đại cưới bà Nam Phương năm 1934 khi ông 21 tuổi. Lúc đó, để cưới được giai nhân, ông đã phải chấp nhận 4 điều kiện gắt gao mà nhà gái đặt ra: phải tấn phong cho Nguyễn Hữu Thị lan làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới (các bà vợ của 12 đời vua trước đó chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu); lễ cưới của hai người phải được tòa thánh La Mã cho phép một cách đặc biệt; sau khi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan có quyền được giữ nguyên đạo công giáo và các con, khi sinh ra, phải được rửa tội theo luật công giáo và giữ đạo; còn Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo. Sau lễ cưới, Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Trong 12 năm “hương lửa mặn nồng”, hai người có với nhau 5 người con và tưởng rằng "tình đẹp bất tử". Song, nào ngờ thời điểm đánh dấu sự kiện vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn kết thúc lời thề "chỉ một vợ một chồng" là lúc Mộng Điệp, người đẹp gốc Kinh Bắc sinh trưởng ở Hà Nội, xuất hiện năm 1946. Theo nhiều tài liệu, Thứ phi Mộng Điệp là người phụ nữ được gần gũi Bảo Đại nhiều nhất và thậm chí, là người được ông hoàng này yêu quý hết mực. Bà Mộng Điệp sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, gặp cựu hoàng Bảo Đại tại Hà Nội năm 1945, khi ông đang làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, bà Mộng Điệp là một vũ nữ nổi danh Hà thành, mới 21 tuổi; còn Bảo Đại vừa từ giã ngai vàng ở tuổi 32 và họ đã phải lòng nhau, dù người đẹp đã có một đời chồng (thầy thuốc-bác sĩ Phạm Văn Phán nổi tiếng ở Hà Nội lúc đương thời) và một đứa con riêng (hiện sinh sống và làm trong ngành ngân hàng ở Pháp). Cựu hoàng và bà Mộng Điệp về chung sống tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo. Tháng 3/1946, cựu hoàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Trung Quốc và lưu lại nước ngoài trong một sứ mệnh ngoại giao. Sau năm 1949, khi Bảo Đại từ Hong Kong về nước, bà luôn được gần gũi cựu hoàng đế. Thậm chí, ở Đà Lạt, Bảo Đại còn dành tặng cho bà một toà nhà riêng, gần biệt điện hoàng đế để tiện sớm tối kề cận. Khi tháp tùng cựu hoàng sang Pháp về sống ở Cannes, bà cũng tậu một biệt thự riêng gần lâu đài Thorenc của hoàng gia. Dù sinh cho vua Bảo Đại 3 người con: có một con gái là Phương Thảo (1946) và hai con trai Bảo Hoàng (1954-1955) và Bảo Sơn (1955-1987), nhưng thứ phi Mộng Điệp trong những năm tháng tuổi già, vẫn phải sống cô quạnh vì cựu hoàng Bảo Đại đi theo những tình nhân và những cuộc vui khác. Vua Bảo Đại và Thứ phi Mộng Điệp trong một chuyến đi săn ở rừng Tây Nguyên. Một số sách cũng chép rằng, xuất hiện cùng thời với bà Mộng Điệp trong quan hệ tình cảm với ông hoàng Bảo Đại còn có bà Lý Lệ Hà, nổi tiếng nhan sắc và đa tình. Sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam ghi: Bảo Đại quan hệ công khai với Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của mọi người xung quanh đang sống khắc khổ đạm bạc. Không chỉ "cặp kè" với người đẹp ở quê hương, ông hoàng Bảo Đại còn có đàn bà Trung Hoa, Hong Kong, Pháp, Nhật Bản, Zaire.... Đối với họ, lúc nào ông cũng lịch sự, hào phóng và lãng mạn. Những khi kiếm được tiền ông có thể vung tay mua biệt thự đắt giá tặng cho người tình. Nhưng cũng có lần lâm vào cảnh túng quẫn, ông phải sống bằng số vốn liếng đã cóp nhặt cả đời của một cô gái nhảy. (Theo Đất Việt)