tranvietnghia's blog

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Tượng đài trăm tỷ!


Đỗ Trung Quân
Ngày 11 tháng 9 hai tòa tháp đôi sụp đổ . Tổng thống G.Bush tuyên bố nước Mỹ bị tấn công, có nghĩa là chiến tranh đã diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ, nơi mà người dân Mỹ tin tưởng rằng chiến tranh có ở khắp nơi trên thế giới trừ nước Mỹ. Cú chấn thương khủng khiếp ấy theo lô gic phương Đông nó sẽ hằn sâu mãi mãi trong tâm trí người Mỹ. Hình như không hẳn  vậy. Nỗi đau vẫn  được nhắc nhở mỗi lần kỷ niệm ngày đen tối ấy , nhưng dường như nó không làm người Mỹ chỉ quay nhìn ký ức đau buồn .Một tượng đài mới được dựng lên để ghi nhớ . Nó sẽ có gì qua hình ảnh thể hiện ? Lửa ? Sự đổ nát , Những gương mặt uất hờn ? Nước mắt ? Không, nó chỉ là  cái hồ nước mênh mông phản chiếu bầu trời , mây trắng in trong đấy, mặt trời soi xuống đấy . Những tên người chết được khắc chung quanh thành hồ không theo thứ tự abc nào cả, cái chết cũng bình đẳng như sự sống, nơi ấy dành chỗ cho một cành hoa , ngọn nến đặt xuống, thế thôi. Và một tượng đài khác được tặng cho nước Mỹ,  tác giả là một điêu khắc  gia danh tiếng người Nhật Bản được thể hiện  rất phương Đông . Giữa hai hình khối tượng trưng hai tòa tháp chảy xuống một giọt nước mắt. Vẫn có nước mắt, vẫn không thể không biểu tượng nỗi đau bằng nước mắt. Tư tưởng và nghệ thuật  khác nhau rồi nhé .
Chiến tranh Việt Nam tròn 30 năm. Hòa bình cũng chỉ hơn một chút. Nhưng suốt hơn 30 năm không chiến tranh  hay chưa thật sự hết chiến tranh.  Biên giới Tây Nam rồi biên  giới phái Bắc, Ký ức chiến tranh lại đầy chấn thương đến nỗi tượng đài nơi đâu trên đất nước cũng chỉ một tư duy : Những cánh tay vung lên, súng ống,  giáo mác,  những gương mặt khắc khổ,  căm giận, đau đớn. Những tượng đài không có bóng dáng của tương lai hạnh phúc.  Nó hoàn toàn là quá khứ đau thương. Hào hùng ư ? Nhưng buồn quá .
Những năm đầu sau 1975, khi Nhà triển lãm chứng tích chiến tranh đường Võ Văn Tần còn mang tên Nhà Chưng bày tội ác Mỹ – Ngụy. Nhiều Chủ Nhật,  từng đoàn người xếp hàng vào xem ngoài súng ống, nhà tù,  bom mìn,  máy bay, xe tăng còn những kệ chưng bày những hũ đựng thai nhi dị dạng vì chất độc khai hoang theo như lời chú thích. Trong dòng người ấy không chỉ là những người đã trưởng thành. Người ta dễ dàng bắt gặp những thiếu nhi Khăn quàng đỏ , hay nhi đồng mẫu giáo. Nhân danh tố cáo tội ác,  phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người ta cho trẻ con xem những thứ chỉ có thể gây chấn thương tâm hồn trước những hình ảnh ghê sợ. 1989 –  tôi viết bài thơ “ Thư gửi các thiên thần” .
Chào những thiên thần bé nhỏ
Tôi gặp sáng nay trên con đường mát hàng me xanh ngắt
Những hàng me đã đi vào vô số nhạc và thơ
Tôi xin tự giới thiệu
Tôi – một người đã lớn
Kẻ suốt đời đi tìm tuổi thơ đã mất…
…………………………………….
Thưa các thiên thần bé nhỏ
Đang đuổi theo những chiếc lá me lăn tăn đầu phố
Khăn quàng các em bay như màu lửa
À không!
Tôi xin lỗi
Khăn quàng đẹp như đuôi những chú cá phướng trong chiếc lọ thủy tinh ở nhà
Sau những trò nghịch ngợm lại xếp hàng đôi , hàng ba
Đi vào xem máy chém.
Đi vào xem những chiếc lọ thủy tinh không có con cá phướng
Chỉ bềnh bồng trôi nổi những xác người
Những xác người  ghê rợn
Nhăn nhúm…
Co quắp…
Thưa những người lớn đang làm nhà dìu dắt
Đang hào hứng thuyết minh
Đố quí vị đêm nay có bao nhiêu đứa trẻ giật mình
Trong giấc mơ ôm mặt khóc ?
……………………………………………………
Hãy giật mình khi trẻ thơ thắc mắc
Cái chết là gì ?
Chiến tranh là gì ?
Máy chém.
Để làm chi ?
 [ Sài gòn 1989 ]
Cũng hàng chục năm qua, cứ vào ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ  27 tháng 7, nhiều nơi tổ chức những cuộc ca hát , giao lưu.  Những bà mẹ liệt sĩ được mời đến .Khăn rằn quấn cổ, áo vải nâu hay một chiếc áo dài đơn sơ của mọi bà mẹ quê Việt Nam. Ở đấy nỗi đau thương của các mẹ lại được khơi dây bằng những câu hỏi : con mẹ hy sinh năm nào,  ở đâu ?  Trên những gương mặt già nua , những giọt nước mắt không còn để lăn xuống nữa. Nỗi đau thấu trời  khi lần lượt đặt lên bàn thờ toàn bộ tài sản của mình : những đứa con trai , con gái… Gương mặt những bà mẹ ấy đã thành đá núi câm lặng. Nếu tôn trong nỗi mất mát , đau đớn đến kinh hoàng kia lẽ ra hãy để các mẹ yên lặng .Nỗi đau vùi xuống còn chưa hết sao lại cứ moi lên ?
Con cái chết hết , các mẹ cần gì vào tuổi già cô quạnh. Các mẹ cần được chăm sóc chia sẻ , an ủi. Các mẹ cần cơm ăn áo mặc như mọi người. Tượng đài hàng trăm tỉ trong lúc đất nước còn khốn đốn đủ thứ , thật sự có cần không ? Hãy thử làm một cuộc trưng cầu từ người dân và chính các mẹ  hôm nay . Câu trả lời chắc chắn sẽ khác hẳn cái câu cửa miệng quen thuộc “ Theo nguyện vọng của nhân dân…”
Bộ phim “ Giải  cứu binh nhì Bryan”  chỉ đọng lại một vấn đề duy nhất:  Khi người mẹ đã mất hai người con trai , người cuối cùng bằng mọi giá phải được mang trở về, phải được sống sót để  chăm sóc , xoa dịu nỗi đau người mẹ. Nghĩa vụ cao cả chiến đấu cho đất nước những người khác sẽ gánh thay anh .Anh xứng đang sống để trở về.
Tượng đài đâu chỉ dành cho những nỗi chết. Nó còn dành cho những gì vinh danh quyền sống của con người. Mà những tượng đài vinh danh quyền sống ấy thường vĩnh cửu ở trong lòng người.
Không thể khác.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Lòng người không phải đá vàng!


Một bài viết rất hay copy được trên mạng, xin phép lấy về blog của mình ít ra cũng để lưu lại chiêm nghiệm một cách nghĩ mới.
Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
Tôi muốn được kể một câu chuyện:
Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.
Ngán thay, trước khi chết có trăng trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.
Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.
Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.
Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.
Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.
Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện “vợ thầy Trang Chu” lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là “lòng dạ đàn bà”.
Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi “hoàn thành kế hoạch” (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên “tích cực cố gắng” mà mãi không thấy “kết quả”. Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái “phụ giúp” vợ mình.
Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những “nỗ lực cố gắng” của hai vợ chồng đã có “kết quả tốt đẹp”, cô đã có thai ba tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi “kiểm định lại”. Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.
Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người…
Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và “thử lòng” người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng “trước sau như một”.
Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá… Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?
Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?
Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy…
Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.
Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân – vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.
Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư?
Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Trẻ em học chuyện người lớn!


Trẻ mẫu giáo học 'chuyện ấy'

Một trường mẫu giáo tại Trịnh Châu, Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc áp dụng các tiết giáo dục giới tính cho trẻ mẫu giáo.

Dù giáo trình thí điểm mang tên “Các quá trình phát triển” với nội dung giáo dục giới tính dành cho học sinh tiểu học được áp dụng tại các trường Bắc Kinh, Thượng Hải vào tháng 9 tới, nhưng truyền thông Trung Quốc mới đây tiết lộ, ngôi trường mẫu giáo tại Trịnh Châu đã “đi trước thời đại”.



Các bé hào hứng tham gia giờ học.

 
Trẻ mẫu giáo học 'chuyện ấy'



 Nguồn :http://quachdaica.info

Nhập hồn!


Nguồn: Blog Cu làng cát
Một clip được tìm thấy, nói trong một buổi lễ hương khói, nhà ngoài cảm đã chỉ định một nữ thanh niên bình thường, qua vài động tác, bà đã cho hồn liệt sĩ nhập vào. Có thể bạn không tin, nhưng với tâm linh, tôi tin vào chuyện này, bởi tôi đã từng chứng kiến vào tháng 7-2011.

Clip Liệt sĩ nhập hồn thanh niên

Trong hình ảnh là một vị thủ trưởng khả kính thời chiến, ông rất xúc động với trường hợp này. Ông kể, người này là lái xe của ông, đáng ra hôm đó không lái xe cho vị khác, nhưng văn phòng điều chuyển do một lái xe khác bị sốt rét, ông đi chuyến đó và trúng bom từ trường. Nên lúc gặp hồn liệt sĩ, có ý như trách móc thủ trưởng.

Hồn nhập vào rất mệt


Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Trung thu ta và đồ chơi Tàu!

     
     Con trai mình mới tròn 5 tuổi được gần tháng. Vợ chồng mình mới có đứa đầu nên cũng tương đối chiều con, điều đó thể hiện ở số lượng đồ chơi trong bộ sưu tập của cu cậu. Đã nhiều lần mình đã lén vứt bớt đi những đồ gần hỏng để khỏi rác nhà, nhưng nhìn chung, trong nhà, góc nào, cạnh nào cũng có một cái tay siêu nhân, một con khủng long hay vài viên bi xanh đỏ. Trung thu này, cô hàng xóm vẫn thường nhờ mình chở con đi học mỗi sáng (vì con mình học cùng lớp), để cảm ơn mua về cho mỗi nhóc 1 cặp cung tên, 1 quả đại đao nhựa trông rất hùng dũng. Nói thật, nhìn đồ chơi của bọn chúng bây giờ, là người lớn, mình cũng thấy thích. Kiểu dáng đẹp, mẫu mã đa dạng, phong phú, màu sắc bắt mắt, và một điều rất quan trọng, giá rất rẻ. 
     Có hôm kiểm lại thấy một điều giật mình, đồ chơi con mình toàn hàng Tàu! 99,9% made in china! Tiên sư anh... Hồ Cẩm Đào! Từ vô số những siêu nhâ, ben 10, batman, rô bốt đến hàng tỷ những loại dồ chơi đao kiếm, đền điện xe hơi, xe đạp, tắc kè, thạch sùng, khủng long... bọn trẻ nhà ta đều dùng của Tàu hết. Thú thật bây giờ ra tiệm đồ chơi có muốn tìm những món đồ truyền thống cho trẻ thì thật khó vì thứ nhất là hiếm, thứ nhì, rất ít trẻ thích đồ chơi Việt. Ngoài con mình, ra đường rặt thấy trẻ con hàng xóm cầm đao, cầm kiếm, đeo cung tên, mụ mị với những con ben 10, những trò yoyo, trò đánh khăng, đánh đáo, chơi ô ăn quan có lẽ đã tuyệt chủng!!!!
     Ngày xưa, nhớ có thời cả làng mình không ai giám đi dép nhựa, hỏi ai cũng bảo, đó là dép Tàu, bọn Tàu nó ác, nó thâm, nó bỏ chất độc vào đế dép, chỉ cần đi vài bữa, dép mòn, chất độc nó ngấm vào chân, chỉ có cụt. Nghe phát hãi. Nay bọn trẻ con ở ta gần trăm phần trăm chơi hàng Tàu, thiển nghĩ, nếu nó chơi thâm, nó làm thế thật thì... Chả biết đâu mà lần. Đúng là hơn nửa thế kỷ, cụ Nam Cao đã phải thốt lên: Tiên sư anh... Tào Tháo!

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Thôi rồi Luyện ơi!


Mấy ngày nay, những ai quan tâm đến xã hội không thể không quan tâm đến vụ án giết cướp tiệm vàng Bắc Giang. Việc bắt được hung thủ của vụ án xem như là một phần lớn giải toả phàn nào dư luận, bức xúc của thân nhân gia đình nạn nhân. Bây giờ cơ quan điều tra chỉ còn những công việc đơn giản là củng cố hồ sơ chuyển VKS đề nghị truy tố, đưa đối tượng ra xét xử. Nhưng lật qua lật lại xung quanh vụ án, mình thấy có nhiều lợn cợn trong lòng:
1. Việc Luyện. dù bất cứ giá nào cũng không thể nhận án tử, điều mà hầu hết những người theo dõi vụ án đều muốn nó là kết quả cuối cùng để tỏ rõ sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự phải chịu hình phạt nặng nhất đúng theo một trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Luật là luật, không có án tử hay chung thân cho bị can chưa thành niên. Luyện đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần đúng 2 tháng tuổi. 2 tháng quý giá bằng cả cuộc đời! Nhiều người đặt ra câu hỏi, có nên đem luật ra sửa? Theo mình, chuyện sửa Luật là việc phải làm thường xuyên của các nhà làm luật để phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên, cứ một tý là đòi thay đổi cũng không ổn. Đành rằng với hành vi của Luyện, hắn đáng phải nhận mức hình phạt cao nhất. Nhưng thử suy nghĩ nếu chỉ cần hạ độ tuổi xuống khoảng 1 năm, hoặc vài tháng cho khung tử hình, thì mỗi năm số tử tù của nước ta sẽ tăng lên bao nhiêu con số? Thanh thiếu niên thời nay có nhiều sự tiến bộ, hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, thể chất... hơn các thế hệ trước, tuy nhiên, vị thành niên vẫn là vị thành niên, sự chưa chín chắn trong suy  nghĩ, hành động vẫn là một yếu tố mang tính khoa học trong quá trình phát triển bình thường của con người, và như vậy, không  nên đổi luật.
2. Ai cũng hiểu cho đến giờ, hậu quả lớn nhất của vụ án không chỉ dừng lại ở những thiệt hại về tính mạng, vật chất, tinh thần của bị hại, mà kẻ gây án, theo một hướng khách quan, đã đưa cả gia đình, bố mẹ, họ hàng mình vào vòng lao lý. Những người thân của Luyện giờ đang đối mặt với những cáo buộc về hành vi không tốt giác tội phạm, che giấu tội phạm. Ở một đất nước mà trình độ dân trí còn thấp, đa số người dân không am hiểu luật pháp, và một yếu tố quan trọng, đó là lối sống trọng tình cảm hơn lý trí, kiểu một giọt máu đào hơn ao nước lã - lối sống đặc trưng của dân tộc Việt đã lý giải việc cả nhà Luyện đã tìm cách che giấu tội cho anh ta. Mình đã thử đặt mình trong hhoàn ảnh bố mẹ Luyện, đau lắm, con dại cái mang, thôi thì còn nnước còn tát, ai lại đưa nó cho Công an, người ta sẽ giết nó... Thế là hàng chuỗi, hàng dây dính vào pháp luật. Mình đã chứng kiến nhiều vụ tương tự, đáng ra phải khởi tố cả nhà, nhưng đôi khi những người thực thi pháp luật đã "linh động" để ra ngoài một vài người nhà của bị cáo vì thấy "quá tội nghiệp". Những người cha người mẹ với suy nghĩ giản đơn là che chở cho con, ai ngồi mà suy nghĩ sâu xa rằng như thế sẽ vi phạm pháp luật - như những cách tuyên truyền nửa vời của các cơ quan tư pháp.
3. Cho đến bây giờ chưa thấy báo nào đưa thông tin rõ vè việc gì Luyện làm đầu tiên khi vào tiệm vàng? Nếu Luyện lẻn vào chém giết xong rồi mới lấy vàng cộng thêm những hành vi tận cùng cái ác đối với đứa trẻ thì không có gì phải bàn về Luyện nữa. Nó là một con thú! Còn nếu Luyện lẻn vào trộm vàng và bất ngờ bị phát hiện (có thể khi vào Luyện đã thủ dao trong người) hắn đã ra tay sát hại đến cùng để tránh bị phát hiện. Đây là hành động thường thấy, diễn biến tâm lý tội phạm thường là như vậy! Điều đáng nói ở đây là cách xử sự của nạn nhân. Có nên đặt vấn đề về cách ứng xử của những người có nguy cơ trở thành nạn nhân sau này, khi đã dùng tất cả những cách bảo vệ mà vẫn lâm vào hoàn cảnh bị cướp thì nên chăng một bài võ cần phải luyện cho tất cả các thành viên trong gia đình là "nằm im giả chết", Nên chăng có thể ta đã hé mắt thấy tên trộm đang lục lọi trong nhà và thay vì vùng dậy hô hoán (điều mà có đến 99% ta sẽ làm) để đẩy con thú vào đường cùng và ta lãnh hậu quả, ta tiếp tục ngủ chờ một thời cơ tốt hơn?
4. Khoảng chục năm trước, khi mà chỉ cần một vụ mâu thuẫn đánh nhau, đâm 1 nhát chết người đã xôn xao dư luận. Nay nhiều vụ án kinh hoàng hàng ngày đập vào mắt, vào tai, vào óc ta. Những tên tội phạm chặt khúc người yêu rồi giấu xác, những kẻ thủ ác giết bố, đốt chồng, giết con, đâm người hàng chục nhát, chặt các bộ phận con người bằng những nhát dao cùn.... Cái ác cùng cực khi nó dần trở thành phổ biến khiến tư duy ta, tình cảm ta khiến ta cảm thấy đó là chuyện thường hay đó là sự băng hoại của xã hội hiện đại?
5. "Không có gì con người không thể làm được" là câu nói tiếc thay, càng ngày càng đúng với nghĩa tiêu cực của nó.