tranvietnghia's blog
Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011
Thôi rồi Luyện ơi!
Mấy ngày nay, những ai quan tâm đến xã hội không thể không quan tâm đến vụ án giết cướp tiệm vàng Bắc Giang. Việc bắt được hung thủ của vụ án xem như là một phần lớn giải toả phàn nào dư luận, bức xúc của thân nhân gia đình nạn nhân. Bây giờ cơ quan điều tra chỉ còn những công việc đơn giản là củng cố hồ sơ chuyển VKS đề nghị truy tố, đưa đối tượng ra xét xử. Nhưng lật qua lật lại xung quanh vụ án, mình thấy có nhiều lợn cợn trong lòng:
1. Việc Luyện. dù bất cứ giá nào cũng không thể nhận án tử, điều mà hầu hết những người theo dõi vụ án đều muốn nó là kết quả cuối cùng để tỏ rõ sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự phải chịu hình phạt nặng nhất đúng theo một trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Luật là luật, không có án tử hay chung thân cho bị can chưa thành niên. Luyện đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần đúng 2 tháng tuổi. 2 tháng quý giá bằng cả cuộc đời! Nhiều người đặt ra câu hỏi, có nên đem luật ra sửa? Theo mình, chuyện sửa Luật là việc phải làm thường xuyên của các nhà làm luật để phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên, cứ một tý là đòi thay đổi cũng không ổn. Đành rằng với hành vi của Luyện, hắn đáng phải nhận mức hình phạt cao nhất. Nhưng thử suy nghĩ nếu chỉ cần hạ độ tuổi xuống khoảng 1 năm, hoặc vài tháng cho khung tử hình, thì mỗi năm số tử tù của nước ta sẽ tăng lên bao nhiêu con số? Thanh thiếu niên thời nay có nhiều sự tiến bộ, hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, thể chất... hơn các thế hệ trước, tuy nhiên, vị thành niên vẫn là vị thành niên, sự chưa chín chắn trong suy nghĩ, hành động vẫn là một yếu tố mang tính khoa học trong quá trình phát triển bình thường của con người, và như vậy, không nên đổi luật.
2. Ai cũng hiểu cho đến giờ, hậu quả lớn nhất của vụ án không chỉ dừng lại ở những thiệt hại về tính mạng, vật chất, tinh thần của bị hại, mà kẻ gây án, theo một hướng khách quan, đã đưa cả gia đình, bố mẹ, họ hàng mình vào vòng lao lý. Những người thân của Luyện giờ đang đối mặt với những cáo buộc về hành vi không tốt giác tội phạm, che giấu tội phạm. Ở một đất nước mà trình độ dân trí còn thấp, đa số người dân không am hiểu luật pháp, và một yếu tố quan trọng, đó là lối sống trọng tình cảm hơn lý trí, kiểu một giọt máu đào hơn ao nước lã - lối sống đặc trưng của dân tộc Việt đã lý giải việc cả nhà Luyện đã tìm cách che giấu tội cho anh ta. Mình đã thử đặt mình trong hhoàn ảnh bố mẹ Luyện, đau lắm, con dại cái mang, thôi thì còn nnước còn tát, ai lại đưa nó cho Công an, người ta sẽ giết nó... Thế là hàng chuỗi, hàng dây dính vào pháp luật. Mình đã chứng kiến nhiều vụ tương tự, đáng ra phải khởi tố cả nhà, nhưng đôi khi những người thực thi pháp luật đã "linh động" để ra ngoài một vài người nhà của bị cáo vì thấy "quá tội nghiệp". Những người cha người mẹ với suy nghĩ giản đơn là che chở cho con, ai ngồi mà suy nghĩ sâu xa rằng như thế sẽ vi phạm pháp luật - như những cách tuyên truyền nửa vời của các cơ quan tư pháp.
3. Cho đến bây giờ chưa thấy báo nào đưa thông tin rõ vè việc gì Luyện làm đầu tiên khi vào tiệm vàng? Nếu Luyện lẻn vào chém giết xong rồi mới lấy vàng cộng thêm những hành vi tận cùng cái ác đối với đứa trẻ thì không có gì phải bàn về Luyện nữa. Nó là một con thú! Còn nếu Luyện lẻn vào trộm vàng và bất ngờ bị phát hiện (có thể khi vào Luyện đã thủ dao trong người) hắn đã ra tay sát hại đến cùng để tránh bị phát hiện. Đây là hành động thường thấy, diễn biến tâm lý tội phạm thường là như vậy! Điều đáng nói ở đây là cách xử sự của nạn nhân. Có nên đặt vấn đề về cách ứng xử của những người có nguy cơ trở thành nạn nhân sau này, khi đã dùng tất cả những cách bảo vệ mà vẫn lâm vào hoàn cảnh bị cướp thì nên chăng một bài võ cần phải luyện cho tất cả các thành viên trong gia đình là "nằm im giả chết", Nên chăng có thể ta đã hé mắt thấy tên trộm đang lục lọi trong nhà và thay vì vùng dậy hô hoán (điều mà có đến 99% ta sẽ làm) để đẩy con thú vào đường cùng và ta lãnh hậu quả, ta tiếp tục ngủ chờ một thời cơ tốt hơn?
4. Khoảng chục năm trước, khi mà chỉ cần một vụ mâu thuẫn đánh nhau, đâm 1 nhát chết người đã xôn xao dư luận. Nay nhiều vụ án kinh hoàng hàng ngày đập vào mắt, vào tai, vào óc ta. Những tên tội phạm chặt khúc người yêu rồi giấu xác, những kẻ thủ ác giết bố, đốt chồng, giết con, đâm người hàng chục nhát, chặt các bộ phận con người bằng những nhát dao cùn.... Cái ác cùng cực khi nó dần trở thành phổ biến khiến tư duy ta, tình cảm ta khiến ta cảm thấy đó là chuyện thường hay đó là sự băng hoại của xã hội hiện đại?
5. "Không có gì con người không thể làm được" là câu nói tiếc thay, càng ngày càng đúng với nghĩa tiêu cực của nó.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét