tranvietnghia's blog

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Hãy một lần lên Đắk Lắk



Nhiều khi chúng tôi cứ tự hỏi, có nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này lại dễ níu chân người như thế. Có mảnh đất nào mà lại trở thành nơi “đất lành chim đậu” của nhiều người con ở mọi miền quê như thế. Những đặc sản mỗi vùng miền theo con người di cư và tụ hội cùng với những gì là vốn có bản địa đã khiến cho mảnh đất cao nguyên Dak Lak có sức hấp dẫn đặc biệt về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và cả du lịch lịch sử…

Bức tranh đa sắc

Có lẽ khái niệm đầu tiên với nhiều người khi nghĩ về Dak Lak là núi và rừng. Đúng chứ sao không! Càng tự hào khi đó là tiềm năng của Dak Lak. Rừng núi cao nguyên Dak Lak ôm trong mình những báu vật, đó là những ngọn thác bạc như Krông Kmar, Thủy Tiên, Dray Nur…; dòng sông Sêrêpôk cuồn cuộn réo rắt suốt đêm ngày; những đại ngàn: Yok Đôn, Chư Yang Sin, Ea Sô… Chính món quà tuyệt vời, hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng đã khiến Dak Lak trở thành nơi sản sinh ra những trường ca Đam San, Xinh Nhã, quê hương của những cây đàn đá, đàn t'rưng, đàn klông pút độc đáo. Đó còn là những lễ hội sôi động núi rừng như lễ hội đâm trâu, mừng cơm mới, đua voi, lễ trưởng thành, lễ bỏ mả… 
                                  Lễ hội đâm trâu


Như một quy luật lôgic của tinh thần, tất cả những giá trị văn hóa ấy đã tạo điều kiện ươm mầm, nảy nở và lan tỏa để Dak Lak trở thành cái nôi nuôi dưỡng Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lắng nghe tiếng cồng chiêng để lắng nghe hơi thở của đại ngàn, đại ngàn cho sinh khí để cồng chiêng âm vang hơn bất cứ nơi nào. Hồn cốt cồng chiêng hiển hiện trong tất thảy những lễ hội của buôn làng.  
Trên miền đất đỏ bazan màu mỡ này, các nhà khảo cổ học còn phát hiện gần 30 di chỉ bao gồm dấu vết hậu kỳ đá cũ khoảng 3 vạn năm trước, sơ kỳ đá mới khoảng 1 vạn năm, hậu kỳ đá mới (3.500-3.000 năm) và thời kỳ kim khí (3000-1500 năm). Hành trình du lịch trên quê hương 10-3 anh hùng, điểm dừng chân không thể thiếu là những di tích lịch sử nổi tiếng như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao, Đồn điền CADA, Biệt điện Bảo Đại - dấu ấn triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam...

Điểm tô thêm nền văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa còn có nét vẽ của cà phê và sự du nhập nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và nền văn hóa của người Kinh với đủ sắc thái ba miền Trung - Nam - Bắc. Tất cả đều hòa quyện làm nên bức tranh văn hóa đa sắc màu cho cao nguyên Dak Lak. 

Dòng sông lịch sử

Một nhà nghiên cứu đã ví lịch sử của Dak Lak như một dòng sông. Nhiều du khách cứ băn khoăn để cắt nghĩa mãi tại sao lại gọi là dòng sông lịch sử. Và họ bắt đầu đi tìm hiểu, khám phá chính từ những chứng tích lịch sử còn được lưu giữ, bảo tồn trên mảnh đất này. Một địa danh đi vào sử sách đó là Nhà đày Buôn Ma Thuột – nơi địa ngục trần gian, nơi tôi luyện tinh thần cách mạng, nơi bản lĩnh Việt Nam tỏa sáng. Thiết kế theo kiểu khép kín, tận dụng mặt bằng để giám sát tù nhân có hiệu quả cao nhất, Nhà đày đã giam cầm 1.328 người giai đoạn 1930-1945.   
Dù đã được trùng tu nhưng mỗi lần trở lại nơi này, lòng người như chùng lại, chùng lại khi được chứng kiến những hiện vật, được nghe kể những câu chuyện về tội ác tra tấn dã man của kẻ thù để rồi khó có thể diễn tả hết sự khâm phục ý chí thép của những người cộng sản. Nhìn khu nhà đày nằm giữa một khu dân cư đông đúc ở trung tâm TP.Buôn Ma Thuột, khó ai có thể hình dung được vào những năm 30 của thế kỷ trước, nơi đây là rừng rậm âm u với không khí ẩm thấp và độc địa đến nỗi nhiều tù nhân ở nơi khác đến không thể thích nghi được với thời tiết nơi này nên đã mắc bệnh hiểm nghèo. Khi tù nhân chết, thực dân Pháp không cho chôn cất mà ném xác ra ngoài bức tường Nhà đày cho thú dữ ăn thịt, thậm chí nhiều tù nhân chưa chết hẳn, vẫn còn thoi thóp cũng bị chúng ném ra ngoài không thương tiếc. Thực dân Pháp còn sử dụng chính sách “15 ngày ăn nhạt và 15 ngày ăn mặn”; tức là 15 ngày đầu chỉ cho tù nhân ăn cơm với nước lã, rồi sau đó chuyển sang ăn mặn với “công thức” 5 thìa muối một thìa thức ăn và cho uống rất ít nước. Với chế độ ăn uống như vậy, tù nhân kiệt sức rất nhanh và mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Một trong số những căn bệnh khủng khiếp nhất là bệnh sốt rét đái ra máu. 

Trong hoàn cảnh tù đày nhưng những chiến sĩ cộng sản vẫn sắt son, kiên trung niềm tin với Đảng, với cách mạng để tôi luyện cho mình tinh thần và ý chí “thép”. Những người tù đã sáng tạo ra nhiều cách để liên lạc với nhau, bằng những vật dụng thường ngày như: đôi đũa, chiếc muôi đã được khoét lõi để giấu tài liệu bên trong; đôi guốc gỗ giấu sẵn tiền, thuốc men và những giấy tờ cần thiết bên dưới đế để chuẩn bị cho những cuộc vượt ngục. Và năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của Dak Lak đã được thành lập ngay trong Nhà đày Buôn Ma Thuột, đánh dấu một mốc son quan trọng, là tiền đề để nhân dân các dân tộc Dak Lak đứng lên giành chính quyền thành công. Nhà đày Buôn Ma Thuột với cuộc chiến đấu không mệt mỏi của các đảng viên cộng sản thực tế đã trở thành đầu mối trung tâm, là yếu tố quyết định Cách mạng Tháng Tám ở Dak Lak thành công. 

Những tìm hiểu khám phá khái lược nhất về địa chỉ đỏ - Nhà đày Buôn Ma Thuột chắc hẳn đã giúp du khách phần nào hiểu tại sao nhà nghiên cứu ấy lại ví lịch sử Dak Lak như một dòng sông. Dòng sông có bên bồi bên lở. Bên lở đó là tội ác, giam cầm hủy diệt của đế quốc, thực dân; bên bồi đó là lịch sử tô thắm truyền thống yêu nước và đấu tranh của các chiến sĩ. Chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng mà trái lại nó trở nên một thứ lửa thử vàng rèn luyện người cộng sản thêm cứng rắn, bồi đắp thêm tinh thần đấu tranh để ghi danh mảnh đất 10-3 anh hùng trong pho lịch sử bằng vàng của dân tộc. Chẳng vậy mà biết bao người đã từng gắn bó với Buôn Ma Thuột một thời máu lửa, luôn muốn được thăm lại chiến trường xưa, dù chỉ một lần trong đời…

Dập dềnh sóng nước hồ Lak…

Gió thổi về từ cánh rừng xanh thẳm đại ngàn phía xa, từng đợt sóng gợn nhấp nhô trên mặt hồ mênh mông, hơi lạnh bắt đầu lan tỏa, cái nắng vàng vọt giữa trưa ngoài kia như bị xua tan trước cảnh hồ Lak bao la, dập dềnh sóng nước. Một lần ghé thăm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Lak, du khách sẽ khó lòng quên được vẻ tươi mát và huyền ảo của nơi này.
                                     Hồ Lắk
Người ta thường nói rằng nơi đây có 4 mùa trong một ngày: ấm áp sắc xuân vào buổi sáng, bỗng trở nên nắng hanh hanh, thậm chí oi bức như mùa hè vào buổi trưa, rồi đậm sắc thu rực rỡ của trời chiều và khi ánh nắng chợt tắt thì nơi này chìm trong mùa đông. Nhưng có lẽ, chiều là thời điểm lý tưởng nhất để lột tả hết cái huyền ảo, thơ mộng của hồ Lak. Vì vậy mà nhiều du khách đến đây, thường chọn buổi chiều tà để vãn cảnh. Nắng dát vàng trải trên lòng hồ, chiếu xuống mặt nước làm ánh lên những tia sáng nhỏ, óng ánh vàng; rồi từ từ chuyển sang màu tím khi hoàng hôn buông tạo nên một vẻ huyền bí đến khó cưỡng lại những bước chân thôi thúc muốn khám phá. Vào mùa mưa, nước dâng cao, mặt hồ trở nên mênh mông, xanh thẳm, đó đây, từng vạt hoa sen, súng trổ bông, nhìn từ xa như những ngọn đèn chót đỏ, theo từng làn sóng gợn, nổi bồng bềnh trên mặt nước, đẹp và thơ mộng hơn bao giờ hết. Thời điểm này cũng là mùa lưới đơm, câu cá trên hồ Lak bắt đầu. Khi nắng chỉ còn là những vệt sáng nhòe nhoẹt trên mặt nước, xa xa người dân lại lỉnh kỉnh xô chậu, thả lưới hoặc trầm tư ngồi buông câu…
                              Cưỡi voi quanh hồ Lắk
Đứng dưới trời gió thổi lộng, sải những bước đi chậm rãi dọc bờ hồ, nghe sóng vỗ ì ầm, trước vẻ bao la của hồ Lak, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp mà thốt lên rằng: có hồ nước ngọt rộng 500 ha nào lại hiền hòa đứng cạnh dãy núi kỳ vĩ như bình phong chắn gió giữa lòng cao nguyên xanh, đẹp và kỳ vĩ đến vậy?! Rời buôn Jun, nơi được mặt hồ bao bọc, men theo con đường xoắn ốc, du khách sẽ đến tham quan Biệt điện Bảo Đại rợp bóng cổ thụ… Với ông Phan Thành Lập, Việt kiều định cư ở Pháp từ những năm 1986 thì mỗi lần về Việt Nam, đặt chân đến hồ Lak, ông lại có một cảm giác mới lạ, để rồi cứ thấy xôn xao trong lòng khi trở lại thành phố ồn ào nước bạn. Ông cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi, từng cưỡi trên lưng lạc đà ở Mauritanie, ngựa ở Pháp… nhưng về với hồ Lak được cưỡi trên mình voi, một cảm giác thích thú đến lạ! Nhìn chú voi to, khỏe là vậy song, cũng thật hiền hòa, dễ gần. Lúc đầu, khi leo lên lưng voi, quả thật tôi và mọi người rất sợ nhưng chỉ một lúc sau, chúng tôi không còn cảm giác sợ nữa mà thay vào đó là sự thích thú của những người lần đầu được ngồi trên một con vật “khổng lồ”. Lần đầu đến nơi này, bà Lebriere Patricia (là bác sĩ, hiện đang sống tại Pháp) tỏ vẻ thích thú: “Tôi ngạc nhiên và lấy làm lạ là ở đây người ta chèo thuyền bằng một cây sào thật là dài (cười) thay cho một mái chèo ngắn mà tôi đã từng thấy…”. Không chỉ cảnh vật mà con người nơi đây cũng khiến bà lưu luyến không muốn rời xa. “Họ rất gần gũi, cười chào với chúng tôi, dù phải cần đến phiên dịch chúng tôi mới hiểu được. Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười thân thiện, những cái bắt tay thật chặt và họ sẵn sàng mời chúng tôi vào nhà vui bên ché rượu cần cùng với họ…” - bà Lebriere Patricia hào hứng cho biết thêm.

Đến với hồ Lak, nếu muốn du khách có thể làm một chuyến cưỡi voi vượt hồ bằng con đường riêng chìm dưới nước sâu hoặc ngồi trên thuyền độc mộc ngắm mặt hồ mênh mông sóng nước hòa lẫn mây trời để cho những làn gió mát rượi thổi tung làn tóc rối; rồi cùng tham dự những đêm hội bên bếp lửa, nghe âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng; xem gái, trai uyển chuyển trong từng nhịp xoang, thưởng thức ché rượu cần ngất ngây men say, và khi men đã ngấm vào người, mọi người cất tiếng hát vút cao vang lên giữa núi rừng; ngồi quây quần bên bếp lửa nghe kể chuyện ngày xưa, về huyền thoại hồ Lak… 

Báu vật giữa đại ngàn 

Những dòng thác không chỉ biểu hiện đặc trưng cho sự kỳ vĩ của vùng đất này mà ẩn chứa đằng sau những “dải ngân hà tuột khỏi mây” đó là cả tầng sâu văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Đó là những huyền thoại kỳ bí, những câu chuyện  tình yêu bất diệt làm say đắm lòng người…
                         Thác Dray Nur (Con dúi vàng)

Nằm trong hệ thống các dòng thác Dray Sáp - Trinh Nữ - Gia Long trên dòng sông Sêrêpôk, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 25km về phía Nam, cách thủy điện Buôn Kuốp gần 3km, Dray Nur là một trong những dòng thác kỳ vĩ nhất của đại ngàn Tây Nguyên. Đổ xuống từ độ cao 30m, nhìn từ xa Dray Nur như một dòng sông treo, khói nước tung trắng xóa. Sự huyền diệu của hang động rộng khoảng 3.000m phía sau thác luôn hấp dẫn với bất kỳ ai yêu thích khám phá những điều kỳ thú của thiên nhiên. Hơn thế, thác Dray Nur còn trường tồn với huyền thoại gắn liền với sự ra đời của mình. Thuở xa xưa có đôi trai gái yêu nhau say đắm, tình yêu của họ trải qua bao gian truân, thử thách, bị hai dòng họ ngăn cản bởi sự hiềm khích vốn có từ xa xưa. Để giữ trọn lời thề suốt đời chung thủy, họ đã ôm nhau trầm mình xuống lòng sông Sêrêpôk cuồn cuộn sóng nước. Và đất trời Tây Nguyên đại ngàn đau xót cho tình yêu của họ, trời nổi cơn thịnh nộ mây đen, gió mưa giông bão kéo đến tách dòng sông ra làm hai nhánh chia cắt sự đi lại giữa hai dòng họ. Nhánh bên này đổ xuống thác Dray Nur và nhánh còn lại tạo nên thác Dray Sáp.

Trái với vẻ hùng vĩ bất tận của Dray Nur, thác Thủy Tiên lại mang vẻ đẹp mượt mà đằm thắm như mái tóc của người thiếu nữ. Nằm trên địa phận xã Tam Giang, huyện Krông Năng, thác Thủy Tiên hay còn gọi là thác Ba Tầng đẹp như tên gọi của nó đã làm say đắm lòng biết bao du khách khi đã một lần đặt chân đến đây để khi chia tay không khỏi lưu luyến, bâng khuâng. Thủy Tiên gồm nhiều tảng đá nằm gối chồng lên nhau trông rất ngộ nghĩnh. Và ở mỗi tầng lại có một sự khác biệt. Tầng thứ nhất hơi hẹp với độ dốc thấp, có bậc lên xuống rất dễ dàng với những dòng thác nhỏ nước chảy êm đềm nghe như tiếng đàn du dương bên tai. Bên cạnh thác có nhiều rễ cây buông thõng xuống tựa những chiếc võng đu đưa trong gió cùng khói nước trắng xóa như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Tầng thứ hai của thác trải rộng với nhiều bậc đá, có chỗ nước đổ từ trên cao xuống những tảng đá làm bọt tung trắng xóa trông xa như những đóa hoa mâm xôi đang khoe sắc dưới ánh nắng ban mai. Đặc biệt ở tầng này có những vùng nước tạo nên những hồ nhỏ nơi du khách có thể tự do đắm mình mơ mộng, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Ở tầng thứ ba thì nước đổ từ trên cao xuống tạo thành hồ nước sâu rồi từ đó dòng nước uốn mình nhũn nhặn chảy nhẹ nhàng giữa cao nguyên xanh ngút ngàn.  Đến với thác Thủy Tiên, du khách sẽ còn được nghe kể huyền thoại về nàng H’Năng thủy chung, gan dạ, nết na, cũng là tên của dòng sông chảy qua vùng đất này. Và dòng thác tuyệt đẹp đó chính là mái tóc của nàng H’Năng… 

 Sâu trong núi Yông Chak, buôn Yông Hắt, xã Krông Knô (huyện Lak) là thác Trâu Đá (liên puk pet) theo cách gọi của người M’nông Gar tại đây.  

Thác Trâu Đá mang hình đầu một chú trâu trắng đang thở “phì phò” ra những dòng nước trắng xóa. Ngay bên cạnh “mõm trâu” có một hốc nước, mà theo lời Y Chong Rtung – người dẫn đường ở buôn Yông Hắt, đó là cối giã gạo bằng nước, một “nguồn thức ăn vô tận” để trâu canh giữ cuộc sống nơi đây. Cách nơi chú trâu đang nằm khoảng 5m có một cây nêu thiêng, theo truyền thuyết là nơi mà tổ tiên xa xưa của người M’nông Gar đã cắm cây nêu xuống tảng đá và cột chú trâu trắng, sau khi cắm xuống thì không nhổ lên được nữa. Ngay bên dưới chú trâu đá là các bậc thác, những dòng nước lúc êm ả, lúc ầm ào như đang kể chuyện về sự huyền bí, thiêng liêng của rừng xanh đại ngàn. Điều kỳ diệu là khi dòng nước tuôn ra từ trâu đá rồi tràn xuống phía dưới, những phiến đá màu trắng sẽ mang một màu đỏ rất đặc trưng, trông giống như dòng máu thiêng của chú trâu tạo nên một quang cảnh ngoạn mục giữa núi rừng. 
Để đến được với thác Trâu Đá là cả một chuyến đi rất thú vị cho những người đam mê khám phá du lịch sinh thái. Trước tiên, điều cần nhất trong chuyến đi là phải có một người dẫn đường thông thạo tại địa phương, vì nơi đây còn hoang sơ nên nếu không cẩn thận sẽ dễ bị lạc đường và đường lên thác cũng khá gian nan. Nguyên một cánh rừng cao che khuất tầm nhìn, độc đáo có những loại hoa lá luôn biến đổi sắc màu theo mùa. Đường rừng, cộng với những con dốc gần như thẳng đứng sẽ khiến bạn nản lòng, nhưng những âm thanh vang vọng của thác nước dường như trợ sức để tiếp bước lên đỉnh thác. 

Mảnh đất huyền sử

“Chiều về, từng đàn voi đi, như chìm trong sương mờ. Rộn ràng từng lời chiêng reo vang dài theo bến sông. Xa nghe tiếng ay ray, văng vẳng trong chiều nay. Con sông em đã qua, lấp lánh xa mờ xa, mờ xa, mờ xa…”. Ấn tượng bởi ca từ đẹp, giai điệu trầm hùng trong bài hát Buôn Đôn chiều của nhạc sĩ Hồ Tuấn như vang vọng từ giữa rừng sâu đại ngàn. Hình ảnh về một Buôn Đôn như mộng, như ảo của huyền thoại nhưng cũng đầy gần gũi, thân thương cứ hiện ra, ngân vang qua từng giai điệu, lắng đọng bao xúc cảm. Buôn Đôn đẹp không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn đẹp ở tầng sâu văn hóa từ ngàn đời… 
Sử sách ghi lại rằng, Buôn Đôn theo cách gọi của người Êđê và M’nông, hay Bản Đôn theo cách gọi của người Lào, có nghĩa là "Làng Đảo". Tên gọi ấy có lẽ gắn với vị trí địa lý đặc thù và cũng bởi nơi đây trước kia là một ngôi làng được xây dựng trên một bãi bồi (đảo nổi) của sông Sêrêpôk. Là hợp lưu của hai con sông mang trong mình chuyện tình huyền sử: Krông Ana, Krông Knô - sông vợ, sông chồng. Sông Sêrêpôk ngay từ những năm cuối thế kỷ 19, khi đường bộ còn chưa phát triển, đã là một trong những đường giao thương quan trọng trong vùng. Và Bản Đôn ngay từ ngày ấy đã trở thành một “thương cảng”, là nơi giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất giữa người Lào, Cao Miên và người bản địa. Cũng từ sự giao thương ấy, những nét văn hóa bản địa và văn hóa của các tộc người Lào, Cao Miên đã được tiếp biến, là vùng đất chan hòa với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống: Êđê, M’nông, Gia Rai, Lào, Thái…

Chuyện cũng kể lại rằng, từ rất lâu, rất lâu rồi, Buôn Đôn đã nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Trong đó người tù trưởng hùng mạnh N’Thu K’Nul đã săn được hàng trăm con voi và tặng Hoàng gia Thái Lan một con voi trắng. Vua Thái Lan rất cảm phục đã phong tặng ông danh hiệu Khunjunop (Vua săn voi). Sau khi ông mất dân làng đã xây mộ ông với sự kết hợp của hai kiểu kiến trúc M’nông - Lào để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố và hiện tại ngôi mộ của vị vua săn voi này vẫn nằm yên tĩnh, hòa mình vào giữa thăm thẳm của màu xanh cây cối bao quanh. Dấu ấn, hình ảnh về vị vua săn voi ngày nào vẫn còn thấp thoáng hiện diện trong đời sống hiện tại, đó là những câu chuyện của người dân trong buôn về nghề săn voi truyền thống, ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi với những kỷ vật trường tồn qua năm tháng minh chứng của vùng đất nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Tiếp nối những chiến công của người thủ lĩnh Khunjunop, người cháu Ama Kông đã viết nên những câu chuyện của riêng mình: Là một grư (trưởng đoàn săn voi) dũng mãnh, tài ba ông đã bắt được hơn 100 con voi và cũng đã được vua Bảo Đại trao tặng thanh gươm quý. Đặc biệt bài thuốc của Ama Kông được lấy từ lá, thân, rễ cây rừng đã trở thành đặc sản, món quà quý cho du khách ghé Buôn Đôn mua về tặng người thân, bạn bè…

Buôn Đôn - mảnh đất được dệt nên từ những câu chuyện huyền sử như càng được điểm tô, đẹp hơn lên bởi cảnh sắc giao hòa. Những bãi sa bồi nối nhau nổi lên giữa dòng sông vào mùa nước cạn; những cây đa cổ thụ cành xen cành, rễ đan rễ, chằng chịt, vấn vít tạo thành những tán rừng nhỏ trên mặt sông. Để rồi từ những tán cây to khỏe ấy, những ngôi nhà sàn trên cây được dựng lên làm chỗ dừng chân cho du khách nghỉ trưa, thưởng thức những món đặc sản của Tây Nguyên và cùng say bên ché rượu cần…

Bà Niimura Yoko, một du khách người Nhật Bản, người đã nhiều lần đến Buôn Đôn tham dự các lễ hội đua voi truyền thống chia sẻ: “Đến với Buôn Đôn, hít thở không khí trong lành, thoáng đãng, lắng nghe tiếng suối, tiếng lá cây xào xạc như được hòa cùng nhịp đập với thiên nhiên. Đặc biệt là đến đây vào các dịp lễ hội, trong không khí sôi động, náo nhiệt của các cuộc đua voi, phục dựng nghi thức săn voi, cúng bến nước… tôi đã được biết thêm nhiều điều về những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này…”

Lắc lư trên lưng voi, chênh chao theo nhịp võng rung của chiếc cầu treo, những tiếng cười cứ tỏa lan, mênh mang như sóng nước. Buôn Đôn vẫn luôn làm nao lòng, níu chân du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng như người sơn nữ khoác trên mình tấm áo bí ẩn của lớp lớp huyền sử…
Nguồn: bạn mình đăng ở Báo DAK LAK 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét