Không thể kể hết những
vụ “ăn bánh trả tiền” trong giới thượng lưu phương Tây, từ các chính khách hàng
đầu như cựu Thủ tướng Ý Berlusconi, cựu tổng giám đốc IMF Strauss Kahn, đến tài
tử Mỹ Hugh Grant, ngôi sao bóng đá Anh Ashley Cole, Rooney, mới đây nhất là cựu
bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai... Điều rõ ràng là tất cả những cái tên quen mùi
lầu xanh ấy đều được nêu công khai, để dư luận tấn công không thương tiếc.
Còn ở Việt Nam, sau những sự kiện chấn động phát
hiện đường dây gái gọi cao cấp, dư luận không thấy một cái tên gọi gái nào được
thông tin công khai, dù ai cũng biết giới thừa tiền mới có nhu cầu gọi gái hoa
hậu, người mẫu, diễn viên... Phải chăng có sự khác biệt giữa hành vi mua dâm
giữa xứ đang phát triển và phát triển? Chẳng lẽ ở xứ ta không quyền lực nào
chạm được hành vi mua dâm, thứ di chứng tệ hại của tư tưởng phụ quyền? Phải
chăng ở xứ ta, tư tưởng văn minh về bình quyền có vạch sẵn một đường ranh loại
bỏ giới phụ nữ hành nghề “vốn tự có”? Có gì đó rất bất thường trong thực thi
công quyền phá án mãi dâm, bất thường bởi chỉ chú ý đến gái bán dâm trong khi
đáng ra thủ phạm chính là kẻ đi mua dâm. Cũng có gì đó rất bất thường ở sự hả
hê, nhẹ nhõm của dư luận khi gái mãi dâm bị bôi tro trét trấu trên các phương
tiện thông tin. Và hết sức bất thường khi tên gái gọi giờ đây không còn được
viết tắt, hình gái gọi không cần che mặt mà đều được phơi rờ rỡ trên các trang
báo.
Không ai phủ nhận về đạo
đức và pháp luật, bán dâm là có tội. Nhưng giá trị của đạo đức truyền thống và
sự công bằng của luật pháp cũng đòi hỏi kẻ mua dâm phải bị kết án. Dư luận công
minh không bào chữa cho gái mãi dâm, nhưng nếu không lên tiếng bảo vệ nhân phẩm
của người lỡ bước sai lầm thì sẽ không khác gì chuyện đưa xã hội ngược thời
gian về thời trung cổ. Và từ giá trị của sự công bằng cơ bản, kết tội kẻ mua
dâm chính là hành xử văn minh, là cách tối thiểu để bảo vệ nhân phẩm của người
phụ nữ chớ không phải bảo vệ việc họ hành nghề mãi dâm.
Có một nhà báo nữ tâm sự
rằng, cô không muốn chỉ thấy gái mãi dâm bị bắt nữa, mà muốn nhìn thấy cảnh
công an xông vào khách sạn, nhà trọ khám xét đám đàn ông mua dâm, khiến họ phải
gục đầu xấu hổ thú tội dưới ống kính truyền hình. Cô không lo gì chuyện gia
đình của những kẻ đó tan nát, nếu rơi vào gia đình cô, cô cũng không sợ. Bởi
cái đáng lo, đáng thương là khi thấy chỉ người phụ nữ bán dâm gánh chịu nhục
nhã; cái đáng sợ là bị đàn ông lừa dối ra ngoài mua dâm.
Trở lại với chuyện đường
dây bán dâm có dính tới giới thời danh. Nếu công minh hơn, không ai để những
mức giá bán dâm ngàn đô gây hiệu ứng ganh ghét. Vấn đề đáng đặt ra là phải
chăng các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, ca sĩ... đều ẩn tàng mục đích tuyển gái
cho các đại gia? Một nhà báo của hãng tin quốc tế khi tham dự một cuộc thi hoa hậu
ở Việt Nam kể rằng, từ đêm bán kết đến chung kết anh đã chứng kiến cảnh các đại
gia xì xầm đấu giá những thí sinh dự thi. Nếu các cơ quan công quyền ở Việt Nam
không để tư tưởng phụ quyền choán hết tính công minh thì họ phải nhìn thấy ở
hiện tượng này nguy cơ tổ chức mãi dâm hoặc buôn người.
Chính những thế lực đen
và giàu có bất chính đã tạo nên động cơ săn tìm gái ngàn đô và tạo nên thị
trường gái gọi cao cấp. Và chính sự đồi truỵ của giới này đã bôi bẩn trước khi
giết chết những cuộc thi được coi là hoạt động văn hoá. Bằng hành vi mua dâm
cao cấp, những kẻ dâm ô đã tước đoạt, huỷ hoại niềm vui của công chúng lành
mạnh về cái đẹp và người đẹp. Những kẻ dâm đãng ấy sẽ không dừng lại nếu đất
nước này tiếp tục không có những phiên toà kết án những người tạo ra thị trường
bán dâm cao cấp, và những kẻ luôn có nhu cầu mua dâm gái nổi tiếng.
Nguồn SGTT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét