Nguyễn Ngọc Tư - Bữa đó trời chiều mát mẻ, trên đường đón vợ về, có đứa nhỏ chạy băng ra níu đầu xe và thảng thốt kêu: "Ba ơi ba!. Con nhớ ba!".
Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt: "Ê mầy! Tính móc túi hả mậy!". Tất nhiên đứa nhỏ tiu nghỉu, tẽn tò bỏ đi.
Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người.
Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn: "Biết đâu là con bạn thật?".
Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó, biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi.
Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ.
Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà (chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột?).
Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về.
Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn: "Sao lại bắn chết em bây?".
Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo.
Vài độc giả hỏi: "Chuyện đó có thật không?", mình hỏi lại: "Sao không?".
Đời đầy rẫy những bâng quơ và những người quay đơ ra chết giấc, kiểu vậy.
Ông quan kia đi kinh lý qua cánh đồng làng, nơi bác nông dân có mấy công đất gò nửa năm trồng lúa nửa năm trồng dưa, ông thấy im re cũng kỳ, nên chỉ đạo cho vui, bảo: "Chỗ này làm sân golf thì hay biết mấy?".
Ông nói mà ông cũng quên rồi, chỉ trỏ cho sướng đời quan vậy thôi, có mất gì đâu. Nhưng những người nghe cái câu từ miệng nhà quan ("có gang có thép") hôm ấy thì không quên, ba năm sau đám ruộng trở thành sân golf, và bác nông dân thì chạy xe ôm, ngó mưa thẩn thờ nhớ mùa màng đất đai đã mất.
Lúc thằng bạn học của mình lên chức Chủ tịch Phường, mẹ bạn dặn đi dặn lại là: "Nói ít thôi!".
Cô giáo già đó không biết đọc sách nào, mà bảo "Quan hay nói thì dân vất vả".
Một câu của bạn cũng có thể khiến dân bán hàng rong chạy xịt khói, hẻm to thành nhỏ, miễu thành chợ…
Và bạn sực nhớ ra có nhiều vụ bạn chỉ nói chơi thôi, khề khà lúc trà dư tửu hậu, không hay gió nổi từ lời.
Nó cũng bén ngót, nhưng không có hình hài sát khí như dao kéo, nên đôi khi mình múa may loạn xạ, cắt trúng người này nọ mà không biết.
Cái thằng bé bị bạn hắt cái câu “Định móc túi hả mậy?” vào mặt hôm ấy, biết đâu cũng thao thức, cũng ấm ức cho cái sự lương thiện của nó đã bị người ta bôi bẩn.
Mình nhớ người thợ gặt nghẹn ngào lùa vội chén cơm nguội khi ông chủ đất ơ hờ nói như thở khói lên trời: “Ba người nhà tôi cộng lại, ăn không bằng một mình chú!”.
Hồi đó dân tứ xứ đi gặt mướn thường được chủ đất nuôi cơm.
Mình còn nhỏ, nhưng vẻ mặt tê tái của người thợ gặt đã làm mình ngờ ngợ, rằng không phải lời nói nào gió cũng thổi bay.
Họ không hề tự vơ lấy và cố ý giữ nó lại, chỉ tại nó cắm phập vào, gây sẹo rồi, đành thôi.
Mấy bữa ngồi bệnh viện, nghe dì ở giường bên kể chuyện: Vừa rồi bà đi tìm lại người yêu cũ, người mà bà yêu đến nỗi không lấy được nhau, đành chịu ở vậy đến giờ.
Hôm bà ghé nhà người đó, ông đang bắt ve cho chó ngoài thềm.
Nhác thấy bóng bà, ông lên tiếng trước, nói "không mua vé số đâu".
Bà nói: "Tui là Thắm đây mà!", ông không nhìn bà chỉ vuốt ve bộ lông con chó kiểng, lơ đãng hỏi: "Thắm nào?. Tôi quen nhiều Thắm lắm!".
Chỉ vậy thôi, mà bà thấy đau quá.
Nhưng tổn thương tâm hồn vẫn còn được sống, được vá víu lại bằng những mảnh vui khác, còn hơn chết thật bởi những bâng quơ đang đặt bẫy miên man giữa đời: Những đứa trẻ lọt vào cái cống bâng quơ không đóng nắp; những sợi dây điện buông ơ hờ thành cái thòng lọng, tròng vào cổ cô công nhân chưa được mặc áo cưới lần nào; ông già tập thể dục buổi sớm mai bị rơi khỏi lan can chung cư được đóng vài cái đinh lơ đãng; một nhánh cây sớm nay gãy đổ vào hai cha con người quét rác…
Ngày nào mình cũng thấy có những người chết vì bâng quơ, kiểu này, kiểu khác.
Chết lảng nhách, như thể số mệnh bày biện sẵn đoạn kết này từ một cú định đoạt cũng quá sức bâng quơ của trời.
Kinh nghiệm cho thấy: Khi không thấy ai chịu trách nhiệm, thì mình lấy Trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.
Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt: "Ê mầy! Tính móc túi hả mậy!". Tất nhiên đứa nhỏ tiu nghỉu, tẽn tò bỏ đi.
Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người.
Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn: "Biết đâu là con bạn thật?".
Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó, biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi.
Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ.
Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà (chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột?).
Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về.
Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn: "Sao lại bắn chết em bây?".
Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo.
Vài độc giả hỏi: "Chuyện đó có thật không?", mình hỏi lại: "Sao không?".
Đời đầy rẫy những bâng quơ và những người quay đơ ra chết giấc, kiểu vậy.
Ông quan kia đi kinh lý qua cánh đồng làng, nơi bác nông dân có mấy công đất gò nửa năm trồng lúa nửa năm trồng dưa, ông thấy im re cũng kỳ, nên chỉ đạo cho vui, bảo: "Chỗ này làm sân golf thì hay biết mấy?".
Ông nói mà ông cũng quên rồi, chỉ trỏ cho sướng đời quan vậy thôi, có mất gì đâu. Nhưng những người nghe cái câu từ miệng nhà quan ("có gang có thép") hôm ấy thì không quên, ba năm sau đám ruộng trở thành sân golf, và bác nông dân thì chạy xe ôm, ngó mưa thẩn thờ nhớ mùa màng đất đai đã mất.
Lúc thằng bạn học của mình lên chức Chủ tịch Phường, mẹ bạn dặn đi dặn lại là: "Nói ít thôi!".
Cô giáo già đó không biết đọc sách nào, mà bảo "Quan hay nói thì dân vất vả".
Một câu của bạn cũng có thể khiến dân bán hàng rong chạy xịt khói, hẻm to thành nhỏ, miễu thành chợ…
Và bạn sực nhớ ra có nhiều vụ bạn chỉ nói chơi thôi, khề khà lúc trà dư tửu hậu, không hay gió nổi từ lời.
Nó cũng bén ngót, nhưng không có hình hài sát khí như dao kéo, nên đôi khi mình múa may loạn xạ, cắt trúng người này nọ mà không biết.
Cái thằng bé bị bạn hắt cái câu “Định móc túi hả mậy?” vào mặt hôm ấy, biết đâu cũng thao thức, cũng ấm ức cho cái sự lương thiện của nó đã bị người ta bôi bẩn.
Mình nhớ người thợ gặt nghẹn ngào lùa vội chén cơm nguội khi ông chủ đất ơ hờ nói như thở khói lên trời: “Ba người nhà tôi cộng lại, ăn không bằng một mình chú!”.
Hồi đó dân tứ xứ đi gặt mướn thường được chủ đất nuôi cơm.
Mình còn nhỏ, nhưng vẻ mặt tê tái của người thợ gặt đã làm mình ngờ ngợ, rằng không phải lời nói nào gió cũng thổi bay.
Họ không hề tự vơ lấy và cố ý giữ nó lại, chỉ tại nó cắm phập vào, gây sẹo rồi, đành thôi.
Mấy bữa ngồi bệnh viện, nghe dì ở giường bên kể chuyện: Vừa rồi bà đi tìm lại người yêu cũ, người mà bà yêu đến nỗi không lấy được nhau, đành chịu ở vậy đến giờ.
Hôm bà ghé nhà người đó, ông đang bắt ve cho chó ngoài thềm.
Nhác thấy bóng bà, ông lên tiếng trước, nói "không mua vé số đâu".
Bà nói: "Tui là Thắm đây mà!", ông không nhìn bà chỉ vuốt ve bộ lông con chó kiểng, lơ đãng hỏi: "Thắm nào?. Tôi quen nhiều Thắm lắm!".
Chỉ vậy thôi, mà bà thấy đau quá.
Nhưng tổn thương tâm hồn vẫn còn được sống, được vá víu lại bằng những mảnh vui khác, còn hơn chết thật bởi những bâng quơ đang đặt bẫy miên man giữa đời: Những đứa trẻ lọt vào cái cống bâng quơ không đóng nắp; những sợi dây điện buông ơ hờ thành cái thòng lọng, tròng vào cổ cô công nhân chưa được mặc áo cưới lần nào; ông già tập thể dục buổi sớm mai bị rơi khỏi lan can chung cư được đóng vài cái đinh lơ đãng; một nhánh cây sớm nay gãy đổ vào hai cha con người quét rác…
Ngày nào mình cũng thấy có những người chết vì bâng quơ, kiểu này, kiểu khác.
Chết lảng nhách, như thể số mệnh bày biện sẵn đoạn kết này từ một cú định đoạt cũng quá sức bâng quơ của trời.
Kinh nghiệm cho thấy: Khi không thấy ai chịu trách nhiệm, thì mình lấy Trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét