tranvietnghia's blog

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Chỉnh đốn!



VTV hôm nay phát toàn văn bài phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khóa 13 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bài phát biểu dài, khúc chiết, phong cách đọc diễn văn của Tổng bí thư với cách nhấn nha, chấm phẩy, ngừng nghỉ... nghe rất ổn. Mình ngồi nghe gần như toàn bộ với thái độ nghiêm túc của một đảng viên. 
Có thể nói (theo suy nghĩ của mình) tinh thần cốt lõi của diễn văn là vấn đề chỉnh đốn đảng. Có vẻ như BCHTW đã nhận thứ rõ vấn đề và có những đánh giá sát và vạch ra  những định hướng để khắc phục trong thời gian tới. Sự hư đốn nào mà chẳng cần phải chỉnh! Tất nhiên! 
Tổng bí thư nhấn mạnh việc chỉnh đốn phải xuất phát từ hơn 200 đồng chí ủy viên BCH đang ngồi tại hội nghị này! Mình không nghi ngờ gì việc những người ngồi dưới hội nghị là những tinh túy của Đảng và việc thay đổi, dù là nhỏ từ bất cứ ai cũng sẽ tác động không nhỏ đến toàn thể đảng viên. Đơn cử, việc không bao giờ thấy xuất hiện khẩu hiệu "nhiệt liệt chào mừng...." tại các buổi làm việc của ông Trọng với ban ngành địa phương là một thay đổi rất đáng ghi nhận. Nhưng rất tiếc, chỉ mình ông làm được điều đó, mặc dù ông là Tổng bí thư, người đứng đầu trong Đảng.
Mình biết, như nhận định của bài phát biểu, việc chỉnh đốn, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức của đảng viên là  một vấn đề không hề đơn giản, khi mà vấn đề suy thoái về đạo đức của đảng viên đã là vấn đề báo động kiểu cháy rừng cấp 5! Trong khi BCHTW họp và bàn giải pháp trong hội trường thì ngoài kia, có biết bao nhiêu những đảng viên cộng sản vẫn vô tư "luyện cờ tướng" mỗi ván tỷ bạc, những đảng viên kiểm lâm vô tư trở thành lâm tặc, các đảng viên ngành tư pháp vẫn "tư vấn luật" cho vợ bị can, bị cáo trong nhà nghỉ, và vô vàn những đảng viên công chức bỗng nhiên giàu lên một cách không thể lý giải?
Với tư cách một đảng viên, mình vẫn hy vọng rằng, với những con người mới, khí thế mới, những suy nghĩ mới và cả những quyết tâm thực lòng muốn chỉnh đốn đảng của những con người trụ cột triều đình, thời gian tới sẽ có những biến chuyển nào đó đáng để đảng viên tin tưởng, kỳ vọng, đi tiếp trên con đường mình đã chọn! 
Dân xứ nghệ có bài vè con gà đẻ 10 trứng như là một thương hiệu cho sự lạc quan yêu đời của người miền Trung. Mình đang lạc quan sau bài phát biểu về sự chỉnh đốn của Tổng bí thư. Tại sao không?!

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Chúc mừng năm mới!

Một năm với nhiều dự định được hoàn thành! 
Gia đình nhỏ năm nay ăn tiết nhỏ vì phải dành tiền lo việc lớn. Nhưng đây là một cái tết vui vẻ, đoàn tụ và rất ý nghĩa của đại gia đình mình!
Nhờ bài hát vượt thế kỷ của ABBA chuyển tải lời chúc năm mới của Trần Viết Nghĩa đến gia đình, bạn bè, người thân! Happy new year!

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Bông hoa giữa đời thường!


Đọc bài viết này trên thanh niên mình thấy đúng là chuyện lạ có thật! Những "nguồn gen" như chị Lành ở xứ ta nay hiếm đến tuyệt chủng, thế nên chị mới là chuyện lạ có thật, và thấy thương quý những tấm lòng chân chất biết bao:
Người bán vé số “chê” 6,6 tỉ đồng
Bán thiếu “bằng miệng” 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, người bán vé số nghèo vẫn giao đủ số vé cho người trúng.
Câu chuyện người bán vé số “đổi” 6,6 tỉ đồng (giá trị của 10 tờ vé trúng) lấy 200.000 đồng, rồi người trúng số tặng lại nguyên tờ vé trúng đến nay vẫn là đề tài bàn tán xôn xao của người dân thị trấn Bến Lức (H.Bến Lức, Long An) bởi cả 2 nhân vật chính đều khá nghèo: vợ chồng chị Lành vé số quê ở H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), không có cục đất chọi chim nên dắt díu nhau lên Bến Lức thuê nhà trọ rồi đi bán vé số mưu sinh; người trúng số cũng nghèo, có “thâm niên chạy ba gác 25 năm”.

Chị “Lành vé số” và anh Tuấn - Ảnh: Nguyệt Thanh
Tỉ phú bất ngờ
Chiều 15.11, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của bác tài lái xe ba gác Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức) reo vang. Thấy màn hình hiện tên “Lành vé số”, anh Tuấn bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ chắc người bán vé số gọi đòi nợ 20 tờ vé số mà anh mua thiếu. Đầu dây bên kia là giọng nữ hơi run run: “Anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè”. “Thôi đừng có xạo. Đang kẹt tiền phải không? Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả”, dứt lời anh Tuấn tắt máy, tiếp tục vác cho hết đống sắt đang chất trên xe.
Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!
Chị Phạm Thị Lành
Khi nhận tiền công của khách hàng, anh Tuấn chạy xe tới quán Cây Mai để trả tiền cho Lành vé số (Phạm Thị Lành, 29 tuổi). Thấy ông chủ quán Cây Mai và nhiều người khác đang xôn xao, anh Tuấn còn tưởng cô bán vé số và mọi người đùa dai. Vừa ngồi xuống bàn, chị Lành tay run run mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số đài Bến Tre giao cho anh Tuấn: “Anh cầm đi, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 trúng hết rồi. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi”. Dãy số 191207 trên tờ vé số trùng khít với con số ở giải đặc biệt trên cuốn sổ dò. Vẫn không tin vào mắt mình, anh Tuấn run run bấm điện thoại nhắn tin dò qua tổng đài. Tin nhắn kết quả sau đó vẫn là dãy số 191207. Rút ngay một tờ vé trúng kèm 200.000 đồng, anh Tuấn đưa cho Lành: “Tôi trả nợ cho cô, tặng cô một tờ để làm vốn”...
Chúng tôi tìm tới nhà anh Tuấn, thấy cảnh thợ hồ đang xây dựng lại căn nhà mới trên nền cũ để gia đình đón tết, còn anh đang chạy xe ba gác giao hàng. Một lúc sau anh Tuấn về. Cười rất tươi, anh cho biết trong một giây biến thành tỉ phú, anh vẫn là một người lao động bình thường, vẫn phải chạy ba gác vì đó là nghề nghiệp. “Hồi nhận mấy tờ vé trúng, tôi còn nói với cổ rằng nếu cổ không muốn đưa thì tôi cũng không làm gì được. Tôi nghe mấy người rành luật nói giao dịch này chưa hoàn thành, cổ có giữ lại tôi cũng không làm gì được. Mà nói thiệt, cô Lành không nói vợ chồng tôi cũng không biết”, anh Tuấn kể.
Chữ tín của “Lành vé số”
Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ xíu rộng chưa đầy 30m2 của bà Phạm Thị Thèm (mẹ ruột chị Lành, 62 tuổi, ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đầy ắp tiếng cười. Ngoài tờ vé số được anh Tuấn “thưởng”, ngày hôm đó Lành cũng giữ cho mình một tờ và trúng đặc biệt. Sau khi đổi thưởng được gần 3 tỉ đồng (đã trừ thuế), hai vợ chồng Lành đem tiền về quê mua đất cất nhà cho người mẹ nghèo đang một nách nuôi 7 đứa cháu. Nhiều năm nay bà Thèm cùng các con là Hồ Văn Hiếu (sinh năm 1974), Hồ Văn Nguyên (sinh năm 1978) và Út Lành sống cùng căn nhà này. Hai người anh trai cùng mẹ khác cha của Lành đều bất hạnh. Nhà nghèo, vợ anh Hiếu chịu không nổi nên bỏ đi. Năm 2009, anh dắt 3 đứa con lên Bến Lức ở trọ cùng vợ chồng Lành để đi bán vé số. Cuối năm 2010, anh Hiếu mất, 3 đứa con nhỏ phải gửi về cho bà Thèm nuôi. Vợ anh Nguyên cũng chê anh nghèo bỏ đi, anh nửa điên nửa tỉnh đang điều trị ở Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), 3 đứa cháu cũng giao hết cho bà nội. “Em đang tính qua tết về quê đưa mẹ và 6 đứa cháu lên đây theo nghiệp vé số. Không ngờ trời thương, giờ em cất nhà cho mẹ, tiền thì gửi ngân hàng để mẹ lấy lãi nuôi bầy cháu. Em mừng vì bây giờ mấy đưa cháu côi cút sẽ được đi học”, Lành nói, gương mặt lấp lánh hạnh phúc.
“Nhiều người nói nếu chị không giao vé số cho anh Tuấn cũng không ai làm gì chị, bây giờ nghĩ lại chị có tiếc không?” - chúng tôi hỏi. Cười hồn hậu, “Lành vé số” trả lời không cần suy nghĩ: “Hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”.
Bà Út Tèo - một đồng nghiệp bán vé số của chị Lành ở thị trấn Bến Lức - cho biết nhờ “uy tín” của “Lành vé số” mà thời gian qua những người bán vé số ở Bến Lức cũng “thơm lây”, lượng vé bán tăng hơn trước.
Nguyệt Thanh

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Sài Gòn ấn tượng!

Cũng đã vài lần vài SG nhưng đây là lần mình ở lâu nhất, những 3 ngày!
Lần đầu khi đang còn đại học, mãi tận Huế, nghỉ hè, mình và một thằng, mà giờ là cái nguyên nhân để mình vào lại thành phố này, khoác ba lô ngược lên Tây Nguyên rồi Đồng nai sương khói, xuống SG làm chuyến "phượt" chưa từng đứa nào trong khoa thời đó giám nghĩ tới!
Kỷ niệm hồi đó của mình về SG là những hàng cây cao vút, phố xá đông vui, con người dễ mến và... giá cả đắt đỏ. Hồi đó dân Miền trung uống cà phê pha bằng phin be bé, cà phê chảy xuống cốc nhỏ, để vậy uống luôn. Vào SG cũng cà phê phin, nhưng có cái tẩy bự chác, pha xong đổ cả vào tẩy, cà phê biến thành một thứ nước đen đen, nhàn nhạt, chẳng có vị gì. Kết quả của chuyến hành trình là mình ôm về một ba lô sách cũ đủ các loại. Sông đông êm đềm, Nhà thờ đức bà, Đỏ và đen... toàn sách "hot". Gía sách của mình sau chuyến đi đó trở thành thư viênc của lũ bạn xóm trọ. Hôm cuối cùng ra trường, chia tay người yêu cũ, cảm động quá nên để lại hết gia tài cho nàng, giờ vẫn còn tiếc! hik.hik...
SG mùa Noel mà thời tiết cứ hừng hực, mặc dù đã a lô cho thằng bạn hỏi kỹ nhưng cũng không ngờ nó nóng thế. Ở Ban mê cúc quỳ đang sùm sụp áo bông, ra sân bay gió thổi lạnh buốt, tý phát xuống SG toát hết cả mồ hôi, mặc cái áo ấm đi nghênh ngang ngòi đường ai cũng ngó ngó liếc liếc tưởng mình bị dở hơi, hek. hek!
SG sau hơn 10 năm gặp lại cũng có nhiều ấn tượng. SG ngột ngạt đến không ngờ. Chưa đến giờ cao điểm mà đã tắc đường, nóng, chật chội, những gương mặt nhẫn nhục, cam chịu nhìn nhau,, nhìn phía trước, nhích từng tí từng tí để trườn lên. Mình nói đùa với thằng bạn, kiểu này đi cấp cứu hay đem vợ đi đẻ thì chỉ có nước... chết!
Nhà thằng bạn ở trung tâm quận Bình thạnh, ngay cạnh nhà 1 em hoa hậu sáng sáng vẫn được nàng cho điểm tâm món chân giò, đối diện là phó TGĐ SG Tourist to vật, toàn vip, mới ngủ 1 đêm, sáng ra nghe hàng xóm kháo nhà phó TGĐ đêm qua bị trộm đột nhập, cắt khóa cửa bê nguyên 3 con xe máy. Chiều ngồi cà phê ngay đường đang nhâm nhi bỗng nghe thất thanh cướp, cướp! Thì ra mẹ vợ của công an phường, nhà ngay cạnh, vừa  ra khỏi cổng bị 2 chú choai choai giật mất sợi dây chuyền, phóng xe bạt mạng trong ngõ! Vãi!
Lần lữa mãi mới ghé thăm được nhà ông Diệm! Cũng thú vị phết!
Công tử SG đây!
Nhà ông Diệm toàn cảnh, tiền cảnh là bu con nhà nó!
Máy bay anh Trung nhá, tiền cảnh có vợ chồng nhà nó!
Phòng họp của ông Diệm
Nơi ông Diệm chơi bài
Buồng ông Diệm ngủ dưới hầm dinh độc lập...




Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Thư của nhân viên văn phòng EVN gửi các sếp!


Kính gửi sếp Phạm Lê Thanh, vị sếp yêu quý của dân văn phòng điện chúng em!
Kính gửi tất cả các sếp tổng ngành điện lực!
Tên em là, mà thôi, có nhắc sếp cũng chẳng nhớ đâu vì riêng dân văn phòng chúng em có khoảng hơn 400 nhân viên, với lại nói ra vạ miệng, đúng thì tốt, không đúng lắm khéo em phải rời bỏ vị trí văn phòng lương tháng 30 "chai" về làm công nhân tháng có 7 "chai" thì khốn nạn!
Lời đầu thư em xin kính chúc sếp tổng Thanh và các sếp tiếp tục đoàn kết vượt qua những thị phi của thiên hạ - những con trâu buộc luôn ghét những con trâu khác đang ăn cỏ, chèo lái con thuyền ngành điện tiếp tục giữ vững danh hiệu là một trong những ngành có mức thu nhập cao nhất.
Kính thưa các sếp! 
Từ hôm sếp Thanh phát biểu câu "hot" phàn nàn, đau lòng về mức lương ngành điện, mặc dù đang ngồi trước màn hình vi tính cơ quan "oánh gêm" đại chiến, không biết các sếp có mê không chứ món "gêm" này cả phòng em ai cũng là "gêm" thủ đấy các sếp ạ!,  em bỗng giật nẩy cả mình tý đánh mất quả bảo bối. Toi mẹ nó rồi! Tự dưng sếp lại vạch khóa cho người xem... chim! Thế này thì phiền to, phiền to sếp ơi! 
Xưa nay các cụ bảo "ngậm miệng ăn tiền", nay vận vào ngành điện em thấy trúng phóc, mặc dù là nhân viên văn phòng, công việc cũng nhàng nhàng, giao gì làm nấy, cũng khỏe, ít phải tư duy, nhưng thú thật, em thấy sếp trả lương em ba chục chai tháng em cũng thấy hơi phí. Nhưng đó là chuyện nội bộ, lọt sàng xuống nia, xã hội từ thời tiền sử đã làm gì có công bằng, sếp nhỉ! Nên em nghĩ, cái chuyện lương cao của lũ chúng em là do tài điều hành của các sếp rất chi là tuyệt vời, nó vượt qua mọi giới hạn của nguyên tắc kinh doanh khi, một mặt các sếp cho chúng em ngồi chơi hưởng lộc, một mặt lại đồng thanh kêu lỗ hàng ngàn tỷ. Là nhân viên văn phòng, tư duy ít, như em nói lúc nãy, em tiên đoán rồi thiên hạ, những con trâu buộc í, thể nào chả sờ đến chúng em cho mà xem. Lúc đấy thì thú thật, các sếp giải trình khướt nhá!
Là nhân viên ngành điện lâu năm em biết, ngành chúng ta là một ngành "độc", thiên hạ ngày nay cần điện như cần không khí để thở, nên chúng ta chẳng khác gì ông trời, chuyện giá điện, đầu tư cơ sở hạ tầng, hạch toán thu chi làm sao em biết tỏng. Lỗ lãi thế nào em cũng biết tuốt! Em nghĩ, vấn đề của ngành điện hiện nay không phải là bài toán lỗ lãi, "mất mùa là tại thiên tai...", mà chính là ở tầm nhìn chiến lược trong cách hành xử với thiên hạ, mà cụ thể các sếp phải làm sao tránh được những phát biểu hố hàng như của sếp Thanh các sếp ạ! Sáng nay, em đọc báo đã thấy chúng nó rêu rao mức lương của bọn em, rồi so sánh nạy nọ, thấy phiền và áy náy quá các sếp ạ!
Thôi! Trăm sự nhờ các sếp, mỏ vàng của chúng em, mà cũng là của các sếp lâu nay vẫn hoạt động trơn tru, kính mong các sếp xem xét, chỉ đạo, điều hành, điều chỉnh, nếu không, tết này phong bì các sếp ít đi đùng hỏi tại sao?
Em dân văn phòng ngành điện, ít học, viết lánh sẽ có điều thất thố, các sếp bỏ qua nhá! 
Kính chào các sếp!